- Dân trí ›
- Thế giới ›
Mỹ lập 'Vùng cấm bay', tung quân đánh bại quân đội Syria?
Rất có thể Mỹ sẽ nâng mức độ can thiệp quân sự vào Syria bằng cách đưa quân vào, trực tiếp đánh bại quân đội Syria, lật đổ chính quyền Assad.
>> Nga phớt lờ Mỹ, tiếp tục không kích quân nổi dậy Syria?
>> Tướng Mỹ đề cập khả năng bắn rơi máy bay Nga nếu lập vùng cấm bay ở Syria
Tổng thống Mỹ có chấp thuận cho Lầu Năm Góc tấn công Syria?
Tờ The New York Times của Mỹ ngày 17/6 cho biết, tình hình Syria sắp tới có thể xảy ra những biến động lớn và đầy phức tạp, khó lường trước, bởi Hoa Kỳ đang dự kiến khởi động đòn tấn công quân sự vào “chế độ Assad”.
Tờ báo Mỹ cho biết, hơn 50 quan chức Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã ký Bản ghi nhớ nội bộ, hối thúc chính quyền Barack Obama bắt đầu hành động quân sự chống lại chính quyền hiện đang nắm quyền ở Damascus do Tổng thống Bashar al-Assad đứng đầu.
Các quan chức ngoại giao nước này cho rằng, sự tồn tại của chính quyền Assad là vật cản đối với các hoạt động chống tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo và biện pháp quân sự là cách duy nhất để tiêu diệt hoàn toàn IS, mang lại hòa bình cho Syria.
Còn một tờ báo nổi tiếng khác của Mỹ là The Wall Street Journal tiết lộ, Bản ghi nhớ kêu gọi chính quyền Washington 'sử dụng hợp lý các loại vũ khí' để ngăn chặn chính quyền Assad “vi phạm chế độ ngừng bắn” của Thỏa thuận Geneva.
Hiện sự tham gia của Mỹ trong cuộc xung đột Syria đang giới hạn bằng những đòn không kích vào vị trí của tỏ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo IS. Ngoài ra, có những đơn vị nhỏ của lực lượng đặc nhiệm Mỹ đang giúp người Kurd trong chiến dịch giải phóng thành phố Manbij thuộc tỉnh Aleppo.
Theo đánh giá của The New York Times, động thái kể trên thể hiện sự thay đổi căn bản trong lối tiếp cận của Washington với các sự kiện ở Syria, tuy nhiên, sự can thiệp quân sự trực tiếp vào Syria là điều rất khó có thể được Tổng thống Barak Obama chấp thuận.
Điều đáng chú ý là động thái này được đưa ra sau khi Ngoại trưởng Mỹ John Kerry vừa đưa ra lời cảnh báo đối với Moscow rằng, sự kiên nhẫn của Mỹ với kết quả cuộc chiến chống khủng bố Nhà nước Hồi giáo và al-Qaeda và cuộc nội chiến ở Syria đang kết thúc.
Hãng tin Mỹ AP dẫn lời Ngoại trưởng Mỹ cảnh báo chính quyền của ông Putin rằng, Điện Kremlin nên hiểu, tính kiên nhẫn của Hoa Kỳ không phải là vô hạn và giới hạn của nó được thể hiện trên thực tế là việc phải đưa Assad (Tổng thống Syria) ra truy tố.
Hoa Kỳ và nhiều quốc gia phương Tây, cũng như một phần phe đối lập Syria gắn việc giải quyết nội chiến ở nước này với việc ông Assad phải từ chức tổng thống và nhấn mạnh rằng nhà lãnh đạo hiện nay của Syria không có chỗ đứng trong tương lai của đất nước.
Phía Nga đã nhiều lần tuyên bố rằng tương lai của ông Assad và giới lãnh đạo Syria chỉ có người dân Syria có thể định đoạt. Và Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã một lần nữa nhắc lại điểu này, khi đáp trả “tối hậu thư” của người đồng cấp Mỹ.
Bộ trưởng ngoại giao Nga cho biết ông rất ngạc nhiên trước những tuyên bố của Ngoại trưởng Mỹ Kerry. Ông đã khuyên người đồng cấp bên kia chiến tuyến “hãy kiên nhẫn hơn trong vấn đề Syria”, bởi Nga chỉ hành động theo những thoả thuận của Nhóm quốc tế hỗ trợ Syria, đã được xác nhận trong các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc.
Tuy nhiên, một tướng Mỹ đã tuyên bố sẵn sàng lập vùng cấm bay ở Syria, nhưng tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo không có máy bay mà chỉ có chiến đấu cơ Nga hiện diện ở đây. Do đó, Lầu Năm Góc phải được Nhà Trắng trao quyền bắn rơi các phi cơ Nga bay trên bầu trời đất nước này
Các nhà bình luận cho rằng, trong thời gian tới, tình hình Syria sẽ có những biến động phức tạp nhưng rất khó có khả năng Mỹ trực tiếp đổ quân vào Syria.
Mỹ sẽ “sử dụng hợp lý các loại vũ khí' như thế nào?
Trong tình huống Tổng thống Mỹ Barak Obama quyết định phê chuẩn kiến nghị của các nhà ngoại giao Mỹ về cái gọi là Hoa Kỳ cần phải “sử dụng hợp lý các loại vũ khí, để ngăn chặn chính quyền Assad “vi phạm chế độ ngừng bắn” thì Mỹ cũng không đổ quân trực tiếp vào Syria.
Các nhà phân tích cho rằng, Mỹ có thể đưa ra các hành động sau:
Viện trợ vũ khí phòng không cho phiến quân bắn rơi máy bay Nga
Cục tình báo Trung ương Mỹ (CIA) và các đối tác ở khu vực Trung Đông của Mỹ đã chuẩn bị một kế hoạch cung cấp vũ khí “mạnh hơn” cho phe “đối lập ôn hòa” ở Syria, giúp họ đánh bại quân đội trung thành với chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad.
Mỹ sẽ trang bị cho các lực lượng đối lập những hệ thống vũ khí phòng không và tấn công mặt đất, giúp các tay súng đối lập tấn công được máy bay chiến đấu và các vị trí của lực lượng pháo binh quân đội Syria.
Nếu kế hoạch này được thực hiện, trong tình huống Moscow vẫn duy trì cường độ và mật độ tấn công lực lượng phiến quân đối lập như trước, rất có thể lực lượng này sẽ bắn hạ không chỉ các máy bay của quân đội Syria mà cả các chiến đấu cơ của Nga.
Nguy hiểm hơn nữa là số vũ khí phòng không có thể lọt vào tay các nhóm khủng bố IS và al-Quaeda, bởi chúng có mối quan hệ nhằng nhịt với phiến quân đối lập. Khi đó, tất cả các máy bay dân dụng trên bầu trời Trung Đông rất có thể biến thành các mục tiêu khổng lồ, dễ dàng bị bắn hạ.
Tuy nhiên, việc cung cấp thêm vũ khí dù có thể gây ra nhiều tổn thất hơn cho Moscow và Damascus, nhưng cũng không thể giúp phe đối lập chiến thắng được quân chính phủ, với sự hỗ trợ của Nga. Do đó, Mỹ có thể hậu thuẫn cho các nước Ả Rập và Thổ Nhĩ Kỳ tiến quân vào Syria.
Hậu thuẫn Thổ Nhĩ Kỳ và Saudi Arabia đưa quân vào Syria
Phương án thứ 2 là Mỹ có thể thành lập Liên quân Mỹ-Ả Rập, với nòng cốt là quân đội Thổ Nhĩ Kỳ và Saudi Arabia, còn quân Mỹ chỉ giữ vai trò bảo đảm hậu cần-kỹ thuật hoặc trấn thủ những khu vực người Kurd đang kiểm soát để họ rảnh tay đánh chiếm Raqqa.
Kế hoạch đổ quân vào Syria đã được Thổ Nhĩ Kỳ và Saudi Arabia ấp ủ từ rất lâu, họ đã nhiều lần tuyên bố công khai ủng hộ phương án này, nhưng trước đây Mỹ đã không đồng ý với kịch bản này. Giờ chỉ cần Washington gật đầu, Riyadh và Ankara sẽ lập tức triển khai ngay.
Nếu Mỹ và đồng minh đưa quân vào Syria, điều đó cũng đồng nghĩa với việc họ sẽ mang theo các hệ thống phòng không và tên lửa đối đất, đồng thời đương nhiên là một vùng cấm bay sẽ được thành lập và máy bay Nga sẽ không có khả năng hỗ trợ cho quân đội Syria.
Thực chất, đây là sự can thiệp sâu hơn và trực tiếp vào công việc nội bộ Syria của Washington và các đồng minh Ả Rập, hợp lực chiếm cứ và chia cắt lãnh thổ Syria, nhằm buộc Assad phải ra đi.
Khi đó, muốn cứu Tổng thống Assad, Nga sẽ phải tái triển khai lực lượng không quân lớn đến Syria hoặc thậm chí là tung quân tham chiến mà chưa chắc đã giành phần thắng. Moscow sẽ “buông xuôi” bởi nếu can thiệp sâu hơn, họ rất dễ sa lầy và thảm bại như trường hợp của Liên Xô ở Afghanistan.
Nếu phương án này được áp dụng, chắc chắn một điều là Nga sẽ không thể giữ được ghế cho Assad và Syria có thể sẽ bị chia cắt.
Theo Thiên Nam
Đất Việt
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét