- Dân trí ›
- Sức khỏe ›
Bàn tay, xét nghiệm và thời gian “vàng” trong ngành y tế
Dân trí Muốn chẩn đoán bệnh, y học cần có những bác sĩ tay nghề cao, “bàn tay vàng”, để đưa ra kết luận và hướng xử lý chính xác. Nhưng các “bàn tay vàng” này rất cần phải có thêm các xét nghiệm cận lâm sàng hỗ trợ, trong đó, xét nghiệm “vàng” là hết sức cần thiết. Và trong điều trị, tùy theo loại bệnh có một khoảng thời gian hiệu quả nhất để thành công, thời gian vàng. Bài viết đưa lại những thông tin cần thiết về hai vấn đề này.
Chỉ dấu ung thư: xét nghiệm vàng để có chẩn đoán chính xác
Xét nghiệm rất cần thiết để chẩn và chữa bệnh
Sau khi sau khi hỏi bệnh sử, thầy thuốc sẽ khám lâm sàng bằng các thủ pháp nhìn, sờ, gõ, nghe, và gần như bắt buộc phải nhờ đến cận lâm sàng, đó là những thủ thuật và xét nghiệm hỗ trợ, để xác định căn bệnh, đánh giá mức độ cũng như tiên lượng bệnh.
Có rất nhiều xét nghiệm trong y khoa, nhưng tựu trung có thể xếp chúng vào hai nhóm chính là : (1) Các xét nghiệm để chẩn đoán bệnh gồm chẩn đoán định hướng, chẩn đoán xác định, chẩn đoán phân biệt và (2) Các xét nghiệm để theo dõi bệnh gồm theo dõi diễn tiến bệnh, hiệu quả điều trị, biến chứng xảy ra.
Đột quỵ có tần suất mắc bệnh cao
Đột quỵ (tai biến mạch não, stroke) là tình trạng não bị tổn thương do các bệnh lý: tắt mạch gây thiếu máu (nhồi máu não, nhũn não) chiếm đến 71%, xuất huyết (vỡ mạch máu não) chiếm 26% và các nguyên nhân khác chiếm 3% còn lại. Tuổi càng cao, nguy cơ đột quỵ càng lớn càng lớn, hơn 83% số trường hợp đột quỵ là ở lứa tuổi từ 50 trở lên.
Đột quỵ tuy đứng hàng thứ ba về bệnh gây tử vong ở người lớn, sau ung thư và tim mạch, nhưng là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong và tàn tật.
Thống kê cho thấy, tới 50% số bệnh nhân bị đột quỵ tử vong, 90% bệnh nhân sống sót gặp phải di chứng, và có nguy cơ tái phát. Các di chứng gồm yếu tay, chân; liệt nửa người; nói, viết khó, suy giảm trí nhớ…
Theo giáo sư Stephen Davis, Chủ tịch Hội Đột quỵ thế giới, mỗi năm toàn cầu có 16 triệu ca đột quỵ và khoảng 6 triệu ca tử vong.
Ở Việt Nam, theo Bộ Y Tế, có hơn 200.000 ca đột quỵ /năm, trong đó nhồi máu não chiếm 70-80% và tỷ lệ tử vong còn cao do đến muộn.
Nhồi máu cơ tim cấp: tử vong nhiều
Khi động mạch vành bị hẹp lòng do co thắt hay do xơ vữa lượng máu nuôi cơ tim thiếu, gây ra: Thiếu máu cơ tim, Thiểu năng vành hay Suy vành. Nếu mảng xơ vữa bong ra cục huyết đông gây tắc mạch vành đột ngột là Nhồi máu cơ tim.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), mỗi năm có 2,5 triệu người chết do bệnh nhồi máu cơ tim, trong đó 25% chết trong giai đoạn cấp tính của bệnh và trong vòng năm sau đó chết thêm 5-10%.
Ở Hoa Kỳ, trong 6 người chết có một người vì bệnh tim mạch. Mỗi năm có khoảng 635.000 trường hợp nhồi máu mới xuất hiện và 280.000 trường hợp nhồi máu tái phát, 150.000 nhồi máu im lặng.
Ở Việt Nam, năm 2003, theo thống kê của Viện tim mạch Quốc gia Việt Nam, năm 2003 tỷ lệ bệnh nhân vào viện vì nhồi máu cơ tim cấp là 4,2% đến năm 2007 tăng lên gấp đôi là 9,1%.
Xét nghiệm vàng và giờ vàng trong y học
Xét nghiệm vàng để chẩn đoán và theo dõi bệnh: Y học là ngành khoa học thực nghiệm, có bằng chứng (evidence based). Dù có nhiều xét nghiệm để chẩn đoán và theo dõi, bác sĩ điều trị bắt buộc phải dựa vào một xét nghiệm “chìa khóa”, thường gọi là xét nghiệm vàng (gold standard test). Ví dụ: xét nghiệm HIV với bệnh AIDS, xét nghiệm HBsAg với Viêm gan siêu vi B, Phim X quang để chẩn đoán gãy xương, CT Scan hay MRI để chẩn đoán u não, nhồi máu não…
Đã có trường hợp bệnh nhân bị chẩn đoán nhiễm HIV oan vì nhân viên y tế đã dùng xét nghiệm Determine thay vì đưa đến TT Y tế dự phòng để làm xét nghiệm “vàng” là Western Blott. Và hậu quả rất khủng khiếp: bị đuổi việc, kiện cáo, ra tòa hình sự…
Giờ “vàng” cứu người bị đột quỵ: Các tế bào thần kinh, neuron, rất nhạy cảm với tình trạng thiếu oxy và dưỡng chất, khi bị đột quỵ, vùng não thiếu máu nuôi sẽ ngưng hoạt động rồi “chết” đi trong vòng vài giây đến vài phút. Trong đột quỵ do tắc động mạch lớn, cứ qua 1 phút có khoảng 2 triệu neuron sẽ chết đi.
Mức độ di chứng phụ thuộc rất nhiều vào thời điểm và cách thức bệnh nhân được phát hiện, chẩn đoán và điều trị. Nếu bệnh nhân được chuyển đến bệnh viện trong 3 giờ đầu ngay sau khi bị đột quỵ, và được điều trị thuốc làm tan huyết khối, sự phục hồi sẽ rất khả quan.
Theo GS. Nguyễn Văn Thông, nguyên Giám đốc Trung tâm Đột quỵ, Bệnh viện 108, chỉ có khoảng dưới 1% bệnh nhân bị đột quỵ được điều trị bằng thuốc tiêu sợi huyết đúng cách trước khi đến bệnh viện. Kiến thức về 'giờ vàng' (3-4 giờ đầu từ khi khởi phát đột quỵ) đối với bệnh nhân chưa được thông tin, nắm bắt nên hậu quả để lại là một gánh nặng cho bản thân, gia đình và xã hội.
Giờ “vàng” để cứu người nhồi máu cơ tim: Theo Phó Giáo sư Phạm Mạnh Hùng, Tổng thư ký Hội Tim mạch học Việt Nam, cho rằng “với bệnh nhồi máu cơ tim cấp, thời gian chính là sự sống”.
Theo nghiên cứu mới nhất trên thế giới, từ lúc bệnh nhân có biểu hiện đau thắt ngực hoặc quỵ xuống đến lúc được can thiệp động mạch vành dưới 2 giờ là thời gian tốt nhất, tỷ lệ sống cao nhất, đây là “thời gian vàng” để cứu tim. Nhiều chuyên gia tim mạch tính ra rằng cứ trì hoãn tái tưới máu cho nhồi máu cơ tim cấp 30 phút thì tử vong sau 1 năm tăng lên 8%.
Tiếc thay, theo thống kê tại Viện Tim mạch quốc gia, Hà Nội, chỉ gần 2% bệnh nhân nhồi máu cơ tim đến sớm trong khoảng “thời gian vàng” trên. Số người đến bệnh viện trước 12 giờ khoảng 40%; còn lại là bệnh nhân đến quá muộn nên nhiều trường hợp không cứu được hoặc để lại những di chứng nặng nề.
Đôi điều bàn luận
* Xét nghiệm vàng là tối cần thiết trong chẩn đoán và điều trị. Đã có trường hợp bệnh nhân bị chẩn đoán nhiễm HIV oan vì nhân viên y tế đã dùng xét nghiệm không “vàng” là Determine thay vì đưa đến TT Y tế dự phòng để làm xét nghiệm “vàng” là Western Blott. Và hậu quả rất khủng khiếp: bị đuổi việc, ra tòa hình sự, bồi thường…
* Với sự tiến bộ của y học, tỷ lệ tử vong do đột quỵ đã giảm so với trước đây rất nhiều. Phương pháp can thiệp nội mạch được Hội Đột quỵ Hoa kỳ đưa vào điều trị năm 2015 được nhiều nước áp dụng. Tại Việt Nam, người bệnh tắc nghẽn động mạch lớn, can thiệp nội mạch cho hiệu quả đến 80%. Tuy nhiên, việc cấp cứu can thiệp nội mạch chỉ có hiệu quả nếu được tiến hành sớm, sau 6 giờ việc tái thông mạch máu không còn tác dụng.
Do đó, khi có bệnh nhân đột quỵ, không nên cố gắng sơ cứu theo thói quen, đặc biệt dùng những thủ thuật “dân gian”, thuốc nam mách miệng… sẽ hao phí thời gian vàng của người bệnh, mà nên đưa ngay đến các trung tâm y tế.
* Can thiệp tim mạch sớm, nong thông động mạch vành và thuốc chống đông được khuyến cáo hàng đầu. Thời gian vàng để cứu nhồi máu cơ tim là dưới 2 giờ kể từ khi có triệu chứng đau thắt ngực hoặc quỵ xuống.
Câu đúc kết mọi người cần nằm lòng là:
Có 6 giờ để cứu bộ não, nhưng chỉ có 60 phút để cứu quả tim
TS.BS Trần Bá Thoại
Ủy viên BCH Hội NỘI TIẾT VIỆT NAM
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét