- Dân trí ›
- Thế giới ›
Công ty Mỹ bất ngờ hủy hợp đồng đường sắt trị giá 5 tỷ USD với Trung Quốc
Dân trí Một công ty của Mỹ đã thông báo hủy thỏa thuận liên doanh xây dựng tuyến đường sắt cao tốc nối Las Vegas với Los Angeles ước tính trị giá 5 tỷ USD với một công ty của Trung Quốc. Tuyên bố bất ngờ và đơn phương này từ phía Mỹ đã khiến Trung Quốc nổi giận.
Dự án đường sắt cao tốc nối Las Vegas với Los Angeles bị hủy ngay trước khi dự kiến được khởi động vào tháng 9 năm nay (Ảnh: XpressWest)
Năm ngoái, công ty XpressWest có trụ sở tại bang Nevada đã công bố quyết định thành lập một liên doanh với Công ty Quốc tế Đường sắt Trung Quốc (CRI) tại Mỹ (trực thuộc Tổng Công ty Đường sắt Trung Quốc) để xây dựng tuyến đường sắt cao tốc dài 370 km nối Las Vegas với Los Angeles.
CRI khi đó nói rằng công ty sẽ cung cấp số vốn ban đầu là 100 triệu USD. Dự án, với kinh phí được dự đoán lên tới 5 tỷ USD, dự kiến bắt đầu được khởi công vào tháng 9/2016.
Thỏa thuận trên được công bố ngay trước khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có chuyến thăm cấp nhà nước tới Mỹ hồi tháng 9/2015. Khi đó, giới chức Trung Quốc nói rằng liên doanh là một dấu mốc trong nỗ lực của Trung Quốc nhằm xuất công nghệ đường sắt cao tốc tiên tiến sang các quốc gia phát triển như Mỹ.
Tuy nhiên, trong một tuyên bố đưa ra ngày 8/6, công ty XpressWest cho biết đã hủy hợp đồng do những khó khăn mà CRI gặp phải trong việc đáp ứng các thời hạn và nhận được giấy phép cần thiết để thực hiện dự án, tờ Los Angeles Times đưa tin.
“Các mong muốn của chúng tôi vượt quá năng lực của CRI nhằm thực hiện dự án hiệu quả và đúng tiến độ”, tuyên bố cho hay.
Dự án đã đối mặt với những thách thức như yêu cầu về việc các tàu cao tốc phải được chế tạo tại Mỹ, tuyên bố cho biết, nói thêm rằng đây là “rào cản then chốt” trong việc cung cấp tài chính cho các dự án như vậy.
Trung Quốc nổi giận
Tuyến đường sắt nối Las Vegas với Los Angeles dự kiến dài 370 km (Ảnh: Business Insider)
Quyết định trên của XpressWest đã khiến CRI nổi giận.
Công ty Trung Quốc cho hay đối tác Mỹ đã “vội vàng và vô trách nhiệm” khi đưa ra tuyên bố hủy hợp đồng trong khi các cuộc đàm phán vẫn đang diễn ra. CRI nói thêm rằng công ty vẫn có quyền hành động nhằm bảo vệ các lợi ích của mình.
“XpressWest liên tục đưa ra các yêu cầu mới trong quá trình đàm phán, một số yêu cầu trong đó là không thể chấp nhận được đối với phía Trung Quốc”, hãng thông tấn Xinhua dẫn tuyên bố của CRI.
Wang Mengshu, một chuyên gia về đường sắt và cũng là thành viên của Viện thiết kế Trung Quốc, cho hay các công ty Trung Quốc và Mỹ có những khác biệt về việc sử dụng công nghệ và thiết bị.
Nhiều tham vọng nhưng không 'xuôi chèo mát mái'
Trung Quốc đã bắt đầu xây dựng hệ thống đường sắt cao tốc vào năm 2007 và hiện có mạng lưới đường sắt lớn nhất thế giới, dài hơn 19.300 km.
Nhưng vào năm 2011, những nghi ngờ về chất lượng và độ an toàn hệ thống đường sắt Trung Quốc đã nảy sinh do vụ tai nạn liên quan tới hai tàu cao tốc tại thành phố Ôn Châu, khi hai tàu cao tốc đâm phải nhau, khiến 40 người chết.
Sự đổ bể trên là bước lùi mới nhất đối với ngành công nghiệp đường sắt của Trung Quốc trong bối cảnh nước này tìm cách xuất khẩu công nghệ đường sắt, sau các vụ chậm trễ, hủy hoặc hoãn các dự án ở Mexico, Indonesia và Thái Lan vì những bất đồng về ngân sách và chuyện minh bạch.
Trung Quốc giờ đây đang nỗ lực xuất khẩu công nghệ đường sắt ra thế giới, thông qua các hợp đồng ở Mexico, Đông Nam Á và các nơi khác. Nếu thành công, tuyến đường sắt nối Las Vegas với Los Angeles là hợp đồng đầu tiên như vậy của Trung Quốc tại Mỹ.
Việc hợp tác không thành giữa XpressWest và CRI đã gây ra những câu hỏi về việc liệu Bắc Kinh có nên xem lại chiến lược sử dụng các dự án đường sắt cao tốc để mở rộng tầm với ngoại giao hay không.
“Sẽ hiệu quả hơn nếu Trung Quốc chỉ xuất khẩu thiết bị sang các quốc gia khác”, Thời báo Hoa Nam Buổi sáng dẫn lời Zhao Jian, một giáo sư tại Đại học Jiaotong ở Bắc Kinh cho hay. “Nhưng Trung Quốc nên tránh cung cấp các khoản vay lớn và giành quyền vận hành các dự án như vậy. Nhiều quốc gia coi hoạt động đường sắt là một vấn đề chủ quyền và không dễ để Trung Quốc tham gia”.
“Những dự án như vậy khá tốn kém và không nhiều quốc gia có đủ số dân để dự án sinh lợi. Nhu cầu không đủ để đảm bảo khả năng tồn tại lâu dài”, ông Jian nói thêm.
Wang Yiwei, một tuyên gia nghiên cứu về Mỹ tại Đại học Renmin, cho rằng Mỹ thận trọng về cuộc cạnh tranh công nghệ cao liên quan tới an ninh quốc gia, và thỏa thuận trên bị xem là một mối đe dọa tiềm tàng về việc làm.
Sau quyết định ngừng mối quan hệ với công ty Trung Quốc, XpressWest cho biết công ty giờ đây phải tìm các liên doanh phát triển và các phương án khác.
An Bình
Theo Los Angeles Times, Reuters
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét