- Dân trí ›
- Bạn đọc ›
Bị quy kết giết mẹ vợ chồng con trai kêu oan nhiều năm:
Ủy ban Tư pháp của Quốc hội yêu cầu trả làm rõ để báo cáo
Dân trí Bị quy kết sát hại mẹ ruột, vợ chồng người con trai 4 liên tục kêu oan trong nhiều năm. Mới đây nhất Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đã có công văn đề nghị các cơ quan chức năng tại Cao Bằng giải quyết, báo cáo vụ án theo đúng quy định của pháp luật và báo cáo lại.
>> Con dâu bị quy kết sát hại mẹ chồng: 'Nhiều dấu hiệu vi phạm tố tụng, oan sai'
>> Con dâu bị quy kết giết mẹ chồng: Từ nạn nhân trở thành phạm nhân?
>> Bị quy kết sát hại mẹ ruột, vợ chồng con trai kêu cứu:“Cần làm rõ việc bắt giam oan sai!”
Ngày 31/5/2016, bà Lê Thị Nga Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đã có công văn số 3382/UBTP13 gửi đến lãnh đạo các Bộ công an, VKSND Tối cao, Công an tỉnh và VKSND tỉnh Cao Bằng Đề nghị các đồng chí chỉ đạo giải quyết vụ án theo đúng quy định của pháp luật ( trong đó lưu ý đánh giá của đoàn giám sát của Quốc hội như đã nêu).
Cụ thể, theo nội dung công văn của Ủy ban Tư pháp:
Ủy ban tư pháp của Quốc hội cho biết đã nhận được đơn của ông Nguyễn Duy Chiến , trú tại số 3 Phường đề thám , TP Cao bằng, tỉnh Cao bằng, khiếu nại kêu oan cho vợ là bà Hoàng Thị Vấn – Bị cao trong vụ án giết người xảy ra năm 2012. Theo nội dung đơn khiếu nại của ông Chiến thì bà Hoàng Thị Vấn bị bắt khẩn cấp ngày 10/2/2012 về hành vi không tố giác trong tội phạm trong vụ án giết người mà nạn nhân là mẹ chồng của bà Vấn . Sau 3 lần thay đổi tội danh từ không tố giác tội phạm sang tội che dấu tội phạm và cuối cùng là bà Vấn bị đưa xét xử về tội giết người . Hai bản án hình sự sơ thẩm 02/2013HSST ngày 2/1/2014 và 39/2014/HSST ngày 17/9/2014 Tòa án nhân dân tỉnh Cao Bằng đều tuyên xử Hoàng Thị Vấn hình phạt chung thân về tội giết người nhưng hai lần xét xử phúc thẩm, tòa Phúc thẩm tòa án Nhân dân tối cao đều đã tuyên hủy án sơ thẩm vì không đủ căn cứ kết tội, chưa làm rõ được nguyên nhân, động cơ , mục đích phạm tội của bị cáo. Chứng cứ duy nhất là lời khai nhận tội nhưng nhiều lời khai mâu thuẫn và bị cáo liên tục kêu oan, khiếu nại về việc bị mớm cung, bức cung, nhục hình.
Suốt 4 năm qua, ông Nguyễn Duy Chiến và ông Nguyễn Ngọc (là bố đẻ của ông Nguyễn Duy Chiến) đã gửi nhiều đơn khiếu nại kêu oan, bức xúc đến Ủy ban Tư pháp và các cơ quan Trung ương.
Trong quá trình giám sát về “Tình hình oan sai trong việc áp dụng Pháp luật về hình sự, tố tụng hình sự và việc bồi thường thiệt hại cho người bị oan trong các hoạt động tố tụng hình sự theo quy định của pháp luật” của QH năm 2015, Đoàn giám sát đã xem xét đơn khiếu nại và một số tài liệu trong hồ sơ vụ án. Tuy nhiên, tại thời điểm năm 2015 vụ án đang trong quá trình chuẩn bị xét xử phúc thẩm lần 2 nên báo cáo kết quả giám sát chỉ phân tích những sai phạm trong quá trình điều tra và đánh giá vụ án có dấu hiệu oan sai. Hiện vụ án đã được xét xử phúc thẩm lần 2; Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại Hà Nội đã tuyên hủy bản án sơ thẩm của tòa án Nhân dân tỉnh Cao Bằng để điều tra truy tố lại. Ủy ban Tư pháp đề nghị giải quyết vụ án đúng pháp luật trong đó lưu ý đánh giá của Đoàn giám sát Quốc hội”
Nhận xét về vụ án, Luật sư Dương Văn Thụ, đoàn Luật sư Hà Nội cho rằng, đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng, gây xôn xao dư luận tỉnh Cao Bằng. Hồ sơ vụ án cho thấy có nhiều dấu hiệu bắt giam oan sai người vô tội, cụ thể:
Thứ nhất, đã có dấu hiệu làm sai lệch hồ sơ vụ án
Trong biên bản khám nghiệm hiện trường có việc sửa nét chữ “còn mới” sang chữ “không mới”. Hành vi sửa chữa này của các cán bộ điều tra đã vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng và làm thay đổi căn bản về bản chất của vụ án.
Tranh luận tại phiên tòa sơ thẩm, Kiểm sát viên cho rằng việc sửa này đã được các Điều tra viên giải trình và chỉ là lỗi kỹ thuật và không làm thay đổi bản chất vụ án. Với Điều tra viên những người được đào tạo căn bản, có trình độ, họ có thể nhầm lẫn nét chữ “Không” thành “còn” hay không? Bởi từ không bắt đầu từ “Kh” và kết thúc từ “g”, từ còn bắt đầu từ “C” và kết thúc bằng “n” một chữ bắt đầu từ nét cao và một chữ bắt đầu từ nét thấp.
Thấy rõ trong vụ án này, các Điều tra viên đã tùy tiện sửa hồ sơ mà không có sự chứng kiến của những người làm chứng và kiểm sát viên là có dấu hiệu không bình thường bởi nó đã làm thay đổi bản chất của vụ án, làm thay đổi định hướng điều tra. Từ còn mới thành không mới là căn cứ để khẳng định không có dấu hiệu của ngoại phạm. Thông qua việc sửa chữa sai nguyên tắc này đã tạo điều kiện cho cơ quan tố tụng tỉnh Cao Bằng yên tâm kết tội Vấn. Nhưng tiếc rằng lời nhận tội của Vấn lại không phù hợp với hiện trường của vụ án, không phù hợp với các kết luận giám định và đặc biệt các chứng cứ thu được tại hiện trường của vụ án lại chứng minh Vấn hoàn toàn vô tội.
Thứ hai, có dấu hiệu hợp thức chứng cứ cho phù hợp với lời khai của Vấn
Trong lời khai nhân tội của Vấn, Vấn khai dùng kéo cắt dây điện để xiết cổ bà Tiền tạo hiện trường giả. Tuy nhiên trong 19 đồ vật thu được tại hiện trường của vụ án lại không có cái kéo nào. Vì vậy để cho phù hợp với lời khai nhận của Vấn, ngày 19/3/2012 (thời điểm Vấn đã khai nhận tội) CQĐT đến nhà Vấn để thu kéo và một số đồ vật khác. Tại đây Nguyễn An Ninh con gái của Vấn đã lấy cái kéo ở ngăn kéo bàn máy khâu để trong kho giao cho CQĐT. Tuy nhiên, chiếc kéo thu được cũng không tìm được dấu vết nào của Vấn để lại, đồng thời kết luận giám định cũng không xác định được dấu vết cắt trên đầu 02 dây điện có phải do chiếc kéo đưa đi giám định cắt hay không.
Thứ ba, giám định cơ chế hình thành vết thương không đảm bảo tính khách quan
Trong vụ án này, để xác định cơ chế hình thành dấu vết trên mặt, trán của bà Tiền ngoài bản ảnh, biên bản khám nghiệm tử thi, thì cơ quan giám định còn cần phải có lời khai của Vấn mới đủ yếu tố để giám định. Thông qua lời khai của Vấn, kết luận giám định mới xác định với tư thế, chiều hướng tác động như lời khai của Hoàng Thị Vấn có thể gây được các vết thương trên mặt, chán bà Tiền.
Như vậy kết luận giám định đã không phản ánh được tính khách quan, thực tại của chứng cứ. Bởi vật chứng gửi đi giám định là khách quan và tự nhiên, không có tác động của ý trí con người. Cơ quan giám định sử dụng các thiết bị kỹ thuật để xác định cơ chế và tư thế gây nên vết thương. Nếu vật chứng gửi đi giám định, không giám định được thì phải kết luận là không đủ cơ sở để kết luận, chứ không được dùng lời khai nhận của Vấn để làm căn cứ kết luận vì nó đã làm mất đi tính khách quan của vật chứng.
Ông NGuyễn Duy Chiến nhiều năm kêu oan trong vụ án gia đình phải gánh chịu
Thứ tư: việc điều tra lại vụ án khó đảm bảo tính khách quan
Vì những sai phạm trong quá trình tố tụng đối với vụ án, nên HĐXX phúc thẩm đã hai lần tuyên hủy Bản án sơ thẩm. Trong bản án phúc thẩm lần 1 ngày 23/4/2013, để đảm bảo tính khách quan trong quá trình điều tra lại vụ án, Kiểm sát viên giữ quyền công tố đã kiến nghị Cơ quan điều tra thay đổi các Điều tra viên đã tham gia điều tra vụ án này. Tuy nhiên, khi vụ án được trả lại cho CQĐT tỉnh Cao Bằng để điều tra lại, thì một số điều tra viên đã tham gia điều tra từ đầu của vụ án vẫn được Thủ trưởng cơ quan điều tra Công an tỉnh Cao Bằng phân công lại. Kết luận cuối cùng được các Điều tra viên khẳng định là không thay đổi. Tuy nhiên họ lại không chứng minh được lời nhận tội của Vấn là có căn cứ và cũng không tìm được chứng cứ khác để chứng minh cho lời nhận tội của Vấn là có cơ sở.
Báo Dân trí sẽ tiếp tục thông tin về vụ án đến bạn đọc.
Thanh Trầm
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét