- Dân trí ›
- Thế giới ›
Uy lực 'đáng nể' của chiến đấu cơ Su-30MK2
Dân trí Là phiên bản nâng cấp cao nhất của dòng Su-30MK, chiến đấu cơ Su-30MK2 sở hữu hệ thống vũ khí uy lực hơn cùng khả năng tác chiến đặc biệt hiệu quả trên biển, nhờ hệ thống radar tối tân.
Lịch sử của những chiếc Sukhoi Su-30 được bắt đầu từ thỏa thuận cung cấp những chiến đấu cơ Su-27 của Nga cho Ấn Độ năm 1994, webiste của hãng máy bay Nga cho biết.
Dựa trên thiết kế của những chiếc Su-27, năm 1995, các kỹ sư của Sukhoi bắt tay vào thiết kế phiên bản dành riêng cho Không quân Ấn Độ. Ngày 30/11/1996, một thỏa thuận liên chính phủ được ký, theo đó Nga sẽ phát triển và bán cho Ấn Độ 8 chiếc chiến đấu cơ hai ghế ngồi Su-30K (chữ K là ký hiệu của phiên bản xuất khẩu) cùng 32 chiếc Su-30MKI (M là ký hiệu của phiên bản nâng cao, I là ký hiệu cho Ấn Độ).
Đến năm 2002, 10 chiếc Su-30MKI đầu tiên được bàn giao cho Ấn Độ, và một năm sau, thêm 12 chiếc được chuyển giao trong lần giao hàng thứ hai.
Cùng thời gian Ấn Độ đặt mua Su-30MKI, năm 1997, Trung Quốc cũng đặt hàng Su-30, và những chiếc chiến đấu cơ xuất sang thị trường này được mang ký hiệu Su-30MKK. Trong khi đó bản xuất khẩu sang thị trường Malaysia có tên Su-30MKM.
Điểm nổi bật của Su-30MKK là các thiết bị được nâng cấp đều do Nga sản xuất, với hệ thống radar được tăng cường khả năng vừa tìm kiếm vừa bắt mục tiêu, cùng năng lực lập bản đồ địa hình tác chiến. Tháng 12/2000, những chiếc Su-30MKK đầu tiên được giao cho Trung Quốc.
Năm 2002, trên cơ sở những chiếc Su-30MKK, hãng Sukhoi tiếp tục nâng cấp hệ thống vũ khí đồng thời hiệu chỉnh thông số hệ thống, tạo ra phiên bản Su-30MK2 mà Việt Nam cùng nhiều quốc gia khác, trong đó có Indonesia, Venezuela, Algeria, Uganda đặt hàng.
Máy bay có chiều dài 21,9m, cao 6,4m, sải cánh 14,7m, có khả năng mang 8 tấn vũ khí. Nhờ khả năng có thể tiếp nhiên liệu trên không, Su-30MK2 có thể mở rộng tầm hoạt động lên tới 8000km sau 2 lần tiếp nhiên liệu. Khi bay không tiếp nhiên liệu, máy bay có tầm hoạt động 3000km.
Su-30MK2 có thể đạt vận tốc tối đa gấp 2 lần vận tốc âm thanh (2000km/h), với vận tốc bay theo phương ngang lên tới 1400 km/h, trần bay 17.300m.
Vũ khí uy lực
Điểm nổi bật ở Su-30MK2 là khả năng cơ động đặc biệt cao, và có thể triển khai tấn công cả máy bay có người lái và không người lái (UAV). Với trang bị hệ thống tên lửa dẫn đường tầm ngắn và tầm trung, những chiếc chiến đấu cơ có biệt danh “hổ mang chúa” có thể tấn công chính xác các mục tiêu mặt đất, mặt nước từ khoảng cách 120km.
Khi so sánh với các mẫu chiến đấu cơ của phương Tây như chiến đấu cơ đa nhiệm F-35 và F/A-18 A-F, những chiếc Su-30MK tỏ ra vượt trội về khẩu độ radar, đồng nghĩa với khả năng phát hiện được mục tiêu từ trước khi bị đối phương nhận dạng. Ngoài ra, tỷ số lực đẩy chiến đấu/trọng lượng cao hơn cũng giúp những chiếc Su-30MK di chuyển cơ động hơn đối phương rất nhiều.
Nhờ hệ thống khung được nâng cấp, Su-30MK2 có thể tấn công mục tiêu trong mọi điều kiện thời tiết, bất kể ngày, đêm.
Máy bay được trang bị 12 điểm cố định dưới cánh để gắn vũ khí, với trang bị hỏa lực rất đa dạng, từ các tên lửa dẫn đường không đối không, không đối đất, tên lửa không dẫn đường, bom định vị, bom thông thường, bom chùm. Ngoài ra máy bay còn được trang bị một đại bác tự động 30mm GSh-301, với 150 viên đạn.
Các vũ khí dẫn đường có thể được trang bị gồm tên lửa đối hạm tốc độ cao, tầm trung Kh-31A, tên lửa dẫn đường đối hạm Kh-35E, tên lửa không đối đất tầm trung tốc độ cao Kh-31P, tên lửa dẫn đường không đối đất Kh-59MK…Ngoài ra máy bay có thể mang nhiều loại bom khác nhau, với trọng lượng 100kg, 250kg, 500kg hay bom chùm cùng các loại rocket C-8, C-13 và C-25-RPM.
Trang bị hỏa lực không đối không trên Su-30MK2 gồm các tên lửa R-27 có tầm bắn lên tới trên 120km, vận tốc Mach 4.5. Các tên lửa này có thể mang theo đầu đạn có trọng lượng 39kg.
Theo hãng thông tấn Interfax-AVN, Việt Nam đã đặt hàng tổng cổng hơn 30 chiếc Su-30MK2, do nhà máy Komsomolsk-on-Amur Aircraft Production Association (KnAAPO) sản xuất.
Thanh Tùng
Tổng hợp
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét