- Dân trí ›
- Kinh doanh ›
Bộ trưởng không cho lùi tiến độ, đường sắt Cát Linh - Hà Đông có về đích đúng hạn?
Bộ trưởng Bộ GTVT Trương Quang Nghĩa vừa tuyên bố không được phép lùi tiến độ dự án đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông và yêu cầu ban quản lý tập trung hoàn thành dự án đúng tiến độ.
>> Nhà thầu Trung Quốc khiến Đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông không hẹn ngày về đích
>> Đường sắt Cát Linh - Hà Đông: Thay thầu phụ, phê bình Tổng thầu Trung Quốc
>> Tổng thầu Trung Quốc nói gì về sai phạm đường sắt Cát Linh - Hà Đông?
Gần 1 tháng sau khi ngồi vào ghế nóng của Bộ GTVT, Bộ trưởng Nghĩa lần đầu trực tiếp kiểm tra tiến độ dự án đang có nguy cơ chậm tiến độ này và tập trung vào các điểm đang có vướng mắc như ga Yên Nghĩa, khu Depot, ga La Khê, ga Cát Linh... Ông Lê Kim Thành, Tổng Giám đốc Ban Quản lý dự án đường sắt đã báo cáo tiến độ cũng như những khó khăn tại dự án này.
Theo đó, đến nay, khối lượng xây lắp của dự án đã hoàn thành 74% cụ thể đã hoàn thành 100% trụ cầu khu gian (419 trụ) và 100% xà mũ các nhà ga (112 xà mũ), 100% công tác đúc dầm (806 phiến) và lao lắp được 778/806 phiến; 10/12 nhà ga cơ bản hoàn thành đến tầng ke ga đang lắp đặt dàn mái thép và xây dựng trang trí nội thất, ga Cát Linh và ga Vành đai 3 đang thi công cột và sàn tầng 2...
Về công tác giải ngân, dự án đã giải ngân vốn ODA được 241,76/419 triệu USD (58%), trong đó công tác thi công xây lắp giải ngân 214,90 triệu USD; công tác mua sắm thiết bị giải ngân 21,15 triệu USD; Công tác tư vấn giám sát giải ngân 5,71 triệu USD. Giá trị giải ngân vốn đối ứng đạt 1.786/2.123 tỷ đồng.
Tổng thầu EPC Trung Quốc được yêu cầu phải tập trung nhân lực thực sự có năng lực trong công tác tổ chức và quản lý để hoàn thành xây lắp đúng theo tiến độ. Đến ngày 1.10, dự án này phải xong hết 10 ga nhỏ và tới ngày 31.12 phải hoàn thành ga Cát Linh và khu Depot.
Từ khi khởi công cuối năm 2011 tới nay, dự án Cát Linh - Hà Đông đã dính không ít lùm xùm khi để xảy ra nhiều sự cố trong quá trình thi công đồng thời đội vốn, chậm tiến độ.
Vào giữa tháng 2, các nhà thầu của dự án này đã ký cam kết đảm bảo chính thức đưa dự án vào vận hành khai thác thương mại từ ngày 31.12.2016. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân trong đó chủ yếu là vấn đề chậm giải ngân vốn, sau gần 4 tháng, dự án này mới hoàn thành được thêm 4% từ mức 70% lên 74% và có không ít phản ánh về hiện tượng thi công cầm chừng, thậm chí dừng thi công ở một số gói thầu. Hiện chưa rõ, với chỉ đạo có phần quyết liệt của Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa, dự án này có tăng tốc để về đích đúng cam kết hay không.
Theo: Minh Quang
Lao động
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét