- Dân trí ›
- Kinh doanh ›
Giải bài toán nợ công: Chỉ khi hết cách rồi mới phải bán tài sản trả nợ
Dân trí Trao đổi với báo chí ngày 8/6 về phương án sử dụng tiền bán cổ phần nhà nước để trả nợ công vốn đang trong bối cảnh căng thẳng, ông Đặng Quyết Tiến, Phó Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp, Bộ Tài chính cho rằng, đây là giải pháp cuối cùng khi không còn giải pháp nào khác.
>> Chính phủ lên kế hoạch chi trên 270.000 tỷ đồng để trả nợ
>> HSBC: Nợ công Việt Nam sắp đến ngưỡng giới hạn cho phép
>> Trên 75% nợ công trong nước của Việt Nam đáo hạn trong 3 năm tới
Ông Tiến đánh giá, tỷ lệ nợ công tăng cao như hiện nay là vấn đề mang tính lịch sử. Nợ công bị dồn lại do từ nhiều năm trước cách nhìn nhận về việc sử dụng nguồn vốn vay vẫn còn hạn chế (cho rằng vốn rẻ, thời hạn dài nên trong sử dụng và quản lý không thật chặt chẽ). Hiện tại, quan điểm về nợ công đã thay đổi và quản lý nợ công đã trở nên thận trọng hơn.
Nợ thì đương nhiên phải trả, nhưng trả bằng những cách nào? Ông Tiến cho biết, trong công tác trả nợ có hoạt động đàm phán. Cụ thể, Việt Nam có thể đàm phán để các chủ nợ hỗ trợ xóa nợ, cho vay đảo nợ, hoặc các chủ nợ này cũng có thể mua lại nợ v.v... Trường hợp xấu nhất mới bán tài sản để trả nợ.
'Đây cũng là một giải pháp nhưng chỉ khi không còn giải pháp nào nữa mới làm thôi. Bởi vốn liếng ở doanh nghiệp là của để dành, nếu bán đi thì cũng dùng số tiền đó nhằm mục đích đầu tư tiếp chứ không nhằm mục đích trả nợ', ông Tiến giải thích.
Ông Đặng Quyết Tiến cũng thêm rằng, tỷ lệ nợ công gia tăng nhanh chóng trong năm qua cũng cần được nhìn nhận từ góc độ mang tính kỹ thuật. Theo đó, vấn đề này liên quan đến việc thực hiện song song kế hoạch tài chính và kế hoạch đầu tư. Trong khi GDP trên thực tế đạt được thấp hơn so với dự báo thì công tác chi đầu tư lại được xây dựng dựa trên GDP dự báo.
Chính vì 'mẫu số nhỏ hơn song tử số lại tăng hoặc giữ nguyên nên dẫn đến tỷ lệ nợ trên GDP cao hơn đáng kể'. Đây cũng là một trong những lý do khiến vừa qua Thủ tướng Chính phủ đã phải đặt yêu cầu, các cơ quan hoạch định chính sách kinh tế vĩ mô cần tăng cường hơn nữa năng lực dự báo.
Theo các số liệu công bố, trong giai đoạn 2011- 2015, tốc độ tăng nợ công bình quân ở mức 16,7%/năm. Đến cuối năm 2015, về số tuyệt đối, dư nợ công lên đến 2.608.000 tỷ đồng, gấp 1,9 lần so với cuối năm 2011 (1.393.000 tỷ đồng). Về số tương đối, cuối năm 2015, nợ công/GDP ở mức 62,2%, áp sát ngưỡng kiểm soát 65% của Quốc hội.
Thông tin được đưa ra tại phiên đối thoại cấp cao về cải cách chi tiêu công của Nhóm đối tác tài chính công thực hiện bởi Bộ Tài chính và World Bank gần đây cũng ghi nhận thực trạng, chi trả lãi đang chiếm tới 8% tổng thu của Chính phủ và trên 75% nợ trong nước sẽ đáo hạn trong 3 năm tới.
Chuyên gia World Bank cũng đưa ra cảnh báo rằng: “Nếu không cải thiện tình trạng tài khóa hiện nay, lộ trình nợ sẽ sớm đưa Việt Nam rơi vào vùng rủi ro về áp lực nợ”.
Bích Diệp
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét