- Dân trí ›
- Sức khỏe ›
Uống phải nước C2, Rồng đỏ có chì, xử lý như thế nào?
Dân trí Với sai phạm bán C2, Rồng đỏ có hàm lượng chì vượt ngưỡng công bố ra thị trường, công ty URC đã bị phạt hơn 5,8 tỷ đồng. Tuy nhiên, hầu hết sản phẩm thuộc lô có hàm lượng chì vượt ngưỡng đã được bán không còn khả năng thu hồi. Với người tiêu dùng đã trót uống phải loại nước này có nguy cơ gì về sức khỏe?
>> Tiêu hủy hơn 10 tấn nước C2, Rồng đỏ nhiễm chì
>> Vụ nước C2, Rồng đỏ nhiễm chì: Phạt Công ty URC 5,8 tỷ đồng
>> Thêm lô nước C2 và Rồng đỏ có hàm lượng chì vượt ngưỡng 4 - 9 lần
Chiều 31/5, Thanh tra Bộ Y tế cũng giám sát việc tiêu hủy 1.184 thùng C2 và Rồng Đỏ (khoảng 10 tấn) thuộc lô trà xanh hương chanh C2 (lô sản xuất ngày 4/2/2016, hạn sử dụng 4/2/2017) và lô nước tăng lực Rồng Đỏ hương dâu ( lô sản xuất ngày 10/11/2015, hạn sử dụng 10/8/2016) do hàm lượng chì vượt ngưỡng mức công bố.
Tuy nhiên, phần lớn sản phẩm thuộc lô hàng đã bán ra thị trường không có khả năng thu hồi, với tổng giá trị hàng hóa vi phạm đã xuất bán, không thu hồi được là hơn 3,875 tỷ đồng. Đồng nghĩa với việc, rất nhiều người đã uống phải loại nước chứa chì vượt ngưỡng, trong đó, một lượng khách hàng không nhỏ là trẻ em.
Theo PGS.TS Trần Hồng Côn, giảng viên hóa học, trường Đại học Khoa học Tự nhiên, chì là loại kim loại nặng được liệt vào mức độc tính mạnh, vì chì có khả năng tích lũy sinh học trong cơ thể con người, tích lũy lâu dần sẽ gây bệnh cho cơ thể. Chì là kim loại không mùi, không vị, để biết sản phẩm thực phẩm có chứa chì hay không phải tiến hành kiếm nghiệm. Có thể bình thường sử dụng nước, thức ăn, thực phẩm có lượng chì nhỏ ở ngưỡng quy định thì không gây hại bởi chì được đào thải qua nước tiểu, mồ hôi nhưng nếu nạp hàng ngày với hàm lượng vượt ngưỡng, lâu dần chì sẽ tích lũy, gây nhiễm độc chì mãn, gây ra tình trạng thiếu máu, hoa mắt, chóng mặt, sốt, ảnh hưởng thần kinh”, PGS Côn nói.
Cùng quan điểm này, PGS.TS Phạm Duệ, nguyên Giám đốc Trung tâm chống độc (BV Bạch Mai) cho biết, nếu quy định hàm lượng chì cho phép trong nước là 0,05 mg/lít có nghĩa uống nước này, người sử dụng sẽ không bị ngộ độc chì do lượng chì thấp, được thải ra khỏi cơ thể qua nước tiểu, mồ hôi.
Còn nếu dùng sản phẩm có chì vượt ngưỡng sẽ gây ngộ độc. Mức độ ngộ độc chì tới đâu còn tùy thuộc vào hàm lượng chì vượt ngưỡng, thời gian uống, số lượng uống và tùy thuộc vào chức năng thận của mỗi người. “Nếu thận tốt thì việc đào thải chì tốt; còn nếu đào thải không tốt, chì tích tụ trong cơ thể gây ngộ độc”, TS Duệ cho biết.
Theo TS Duệ, chì là một chất cực độc đặc biệt nguy hiểm đối với trẻ em, nhất là trong trường hợp ngộ độc chì cấp tính bởi chì rất khó thải loại; vào cơ thể chì theo máu đến các cơ quan: gan, thận, não, tủy xương, dây thần kinh … gây bệnh cho trẻ. Vì có tác hại nên hàm lượng chì được quy định nghiêm ngặt trong sản phẩm thực phẩm, thuốc uống.
Khoảng 3 năm trước, Trung tâm chống độc tiếp nhận hàng trăm bệnh nhân đến khám do ngộ độc chì đều liên quan tới việc sử dụng các loại thuốc nam, thuốc cam nhằm tẩm bổ, chữa lở loét, chữa tiêu chảy, chữa các bệnh nan y.
“Đặc biệt, với trẻ em, việc nhiễm độc chì của trẻ em nhạy cảm hơn nhiều so với người lớn, khả năng tích lũy chì của trẻ em cao hơn so với người lớn”, TS Côn cho biết.
Liên quan đến việc uống phải nước có hàm lượng chì vượt ngưỡng công bố, theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, nguyên Trưởng khoa Nhi (BV Bạch Mai) cho rằng, với nước nhiễm hàm lượng chì vượt ngưỡng, rõ ràng là không an toàn. Tuy nhiên với hàm lượng này nếu dùng thời gian ngắn chưa có biểu hiện ngay triệu chứng bởi cần một thời gian nhất định mới tích lũy, gây triệu chứng. Còn nếu dùng thời gian dài, liên tục thì có nguy cơ tích tụ chì trong cơ thể. Vì thế, nếu ai uống nhiều, lo lắng cho sức khỏe có thể đi xét nghiệm chì trong máu tại Viện Hóa học để nếu phát hiện hàm lượng chì trong máu đến ngưỡng điều trị thì điều trị thải độc chì. Còn uống ít, thỉnh thoảng mới uống, việc xét nghiệm có thể không tìm thấy chì do mức độ tích tụ thấp.
PGS Dũng cho rằng hàm lượng chì trong nước khác với thuốc cam chứa chì bởi trong thuốc cam thời gian qua phát hiện nồng độ chì cao. Còn nước này nồng độ chì vượt ngưỡng cho phép không quá nhiều, trong nhiều nghề nghiệp như những người làm pin, ắc quy có thể nhiễm chì cao hơn.
Liên quan đến việc người tiêu dùng có được đền bù khi trót uống sản phẩm C2, Rồng đỏ chứa chì vượt ngưỡng, ông Nguyễn Mạnh Hùng - phó chủ tịch kiêm tổng thư ký Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng VN cho rằng, về nguyên tắc, người tiêu dùng phải được bồi thường khi mua phải sản phẩm C2 và Rồng Đỏ thuộc hai lô nhiễm chì bị tiêu hủy.
Tuy nhiên, rất khó khăn để xác định từng cá nhân sử dụng phải sản phẩm này do người tiêu dùng mua nhỏ lẽ, đã uống hết, vứt bỏ vỏ, chai lọ thì không thể nhớ được mình đã từng uống sản phẩm thuộc lô này hay không. Do vậy, rất khó để bồi thường cá nhân trong những tình huống như thế này. Vì thế, ông Hùng đề xuất nên thành lập một quỹ để dành riêng cho các hoạt động bảo vệ người tiêu dùng, như kiểm tra phát hiện thực phẩm bẩn để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Hồng Hải
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét