Thứ Bảy, 2 tháng 7, 2016

Đào tạo đại học bằng tiếng Anh: Chưa có tiêu chí đánh giá chất lượng

  1. Dân trí  ›  
  2. Giáo dục - Khuyến học   ›  
Thứ bảy, 28/05/2016 - 15:07

Đào tạo đại học bằng tiếng Anh: Chưa có tiêu chí đánh giá chất lượng

Dân trí Việc phát triển các chương trình đào tạo chính qui bằng tiếng Anh đã và đang thu hút ngày càng nhiều sinh viên và đáp ứng ngày càng cao nhu cầu của xã hội mặt khác cũng khẳng định hướng đi đúng đắn của Việt Nam trong phát triển giáo dục và đào tạo hệ đại học. Tuy nhiên, triển khai các chương trình này không đơn giản và các trường phải chịu nhiều thách thức.
 >> Nở rộ chương trình đào tạo đại học chất lượng cao
 >> Đào tạo chất lượng cao: “Nồi cơm” mới của trường đại học

Giỏi ngoại ngữ là chìa khóa thành công đối với nhiều kỹ sư, cử nhân khi ra trường

Giỏi ngoại ngữ là chìa khóa thành công đối với nhiều kỹ sư, cử nhân khi ra trường

Sau gần 10 năm triển khai, đến nay, các chương trình cử nhân chính qui bằng tiếng Anh ở một số trường đại học khối kinh tế và quản trị kinh doanh đã thu hút được lượng sinh viên đông đảo, khẳng định được vị thế và giành được sự tin tưởng của đông đảo phụ huynh và học sinh.

Các chương trình đào tạo đại học chính qui bằng tiếng Anh do các trường đại học Việt Nam cấp bằng ở Việt Nam đã chuyển từ hình thức liên kết đào tạo dưới dạng bị động và cung cấp dịch vụ cho các trường đại học nước ngoài ở các chương trình liên kết do nước ngoài cấp bằng sang mô hình các giảng viên nước ngoài sẽ được mời sang làm việc cho các trường đại học Việt Nam.

Bên cạnh đó, các chương trình đào tạo này cũng đã và đang đi đầu trong việc đổi mới phương pháp đào tạo và quản lý sinh viên theo hướng “coi người học là trung tâm”; phát huy tính chủ động học tập của sinh viên và tính định hướng của giảng viên trong quá trình giảng dạy và học tập. Không những thế, các chương trình đòi hỏi sự tham gia nhiều hơn của các nhà làm thực tế, có chương trình đạt tới 30% giảng viên đến từ cơ quan thực tế. Điều này đã dần tăng tính thực tiễn và tính xã hội hóa của các chương trình đào tạo tại Việt Nam.

Được biết, sinh viên học các chương trình này đều phải là sinh viên trúng tuyển vào hệ chính qui của các trường đại học và phải đạt yêu cầu tiếng Anh tối thiểu tương đương 4.5 IELTS.

Khi tốt nghiệp, chuẩn đầu ra tiếng Anh của sinh viên các chương trình này đạt tối thiểu 6.0 - 6.5 IELTS và tương đương.

Tuy nhiên, bên cạnh các thành công và lợi ích như trên, việc phát triển các chương trình đào tạo này đã và đang phải đối mặt với các thách thức nhất định.

PGS.TS Trần Thị Vân Hoa, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho biết, ở Việt Nam chưa có hệ thống tiêu chí chuẩn đánh giá chất lượng các chương trình đào tạo bậc đại học bằng tiếng Anh hệ chính qui nói chung và các chương trình thuộc ngành kinh tế và quản trị kinh doanh nói riêng.

Một số tiêu chí hiện có chỉ dừng lại đánh giá dưới góc nhìn của người cung cấp chương trình đào tạo mà chưa nhìn từ góc độ người học và người sử dụng lao động qua đào tạo. Trong khi đó, đào tạo là một loại dịch vụ quan trọng và rất đặc biệt. Sản phẩm của dịch vụ đào tạo được đánh giá chính xác nhất từ phía người sử dụng lao động và bản thân người học. Các nước trên thế giới đã có những bộ tiêu chí để khảo sát ý kiến của người sử dụng lao động và sinh viên, qua đó đánh giá thực chất chất lượng đào tạo của các trường đại học.

Chính vì vậy, việc nghiên cứu hệ thống để đưa ra các tiêu chí xác định chất lượng của các chương trình đào tạo chính qui bằng tiếng Anh và đánh giá thực trạng chất lượng các chương trình này là hết sức cần thiết nhằm đảm bảo chất lượng đào tạo, tạo cơ sở pháp lý vững chắc để triển khai việc thực hiện các chương trình đào tạo chính qui bằng tiếng Anh tại các trường đại học.

Nhiều thách thức đối với các trường

Theo PGS.TS Trần Thị Vân Hoa, trong quá trình hội nhập quốc tế hiện nay, nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao đang ngày càng gia tăng. Các doanh nghiệp không chỉ đòi hỏi sinh viên ra trường có kiến thức mà còn cần các kỹ năng làm việc trong môi trường có nhiều áp lực của toàn cầu hóa, kỹ năng sử dụng tiếng Anh thành thạo, kỹ năng làm việc với các chuyên gia và khách hàng nước ngoài, kỹ năng giao tiếp chuyên nghiệp...

Việc kiểm định mức độ đáp ứng các yêu cầu của xã hội đối với những sinh viên học tại các chương trình đào tạo tiếng Anh đang đặt ra vô cùng cấp bách để các trường và Bộ Giáo dục Đào tạo có thể cải tiến chương trình sao cho đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người sử dụng lao động. Do đó, các chương trình này cần liên tục hoàn thiện nội dung, cách thức giảng dạy, cách thức triển khai các hoạt động hỗ trợ đào tạo...

Với những thành công và lợi ích lớn mà các chương trình này đem lại thì các cơ quan quản lý đào tạo có nên khuyên khích các trường mở rộng và phát triển những chương trình này không? Mở rộng đến mức độ nào là phù hợp vì đầu vào của các chương trình này đòi hỏi sinh viên phải có 1 trình độ nhất định về tiếng Anh, trong khi trình độ tiếng Anh ở bậc phổ thông của các trường khu vực nông thôn chưa đáp ứng yêu cầu? Bộ Giáo dục và Đào tạo nên có chính sách gì đối với việc phát triển những chương trình này trong tương lai?

PGS.TS Trần Thị Vân Hoa, giảng viên tham gia giảng dạy chương trình, đội ngũ cán bộ quản lý chương trình đòi hỏi có trình độ cao và năng lực sử dụng ngoại ngữ tốt. Trong khi đó, tỷ lệ giảng viên và viên chức tham gia chương trình này ở các trường đại học chỉ chiếm từ 10 - 15% tổng số giảng viên. Vậy cần có các chính sách như thế nào để số giảng viên này không quá tải trong khi đó cũng cần có những chính sách đào tạo bồi dưỡng cho đội ngũ giảng viên chưa đạt yêu cầu. Nguồn lực lấy ở đâu và chế độ chính sách ràng buộc như thế nào?

Đây cũng là những vấn đề mà các trường cần cân nhắc và có định hướng đầu tư đúng đắn để đảm bảo sự phát triển chung của trường và của từng cán bộ trong trường.

Bên cạnh đó, học liệu cũng là vấn đề nan giải của các chương trình này. Khi học theo giáo trình nước ngoài, sách gốc mua sẽ rất đắt làm tăng chi phí học tập, nếu dùng sách photo chúng ta sẽ vi phạm luật bản quyền. Vậy làm thế nào để khai thác được sách điện tử và sử dụng hệ thống mạng giúp sinh viên có thể chia sẻ nguồn lực và đảm bảo tài liệu học tập.

Hơn nữa, giáo trình nước ngoài sẽ ít có các tình huống và ví dụ phù hợp với điều kiện Việt Nam, điều này cũng đòi hỏi các giảng viên, cán bộ quản lý chương trình phải chịu khó nghiên cứu thực tiễn và đưa ra những tình huống phù hợp nhằm tăng tính thực tiễn của chương trình.

Như vậy, phát triển các chương trình đào tạo chính qui bằng tiếng Anh là một xu thế tất yếu trong quá trình hội nhập quốc tế hiện nay. Bên cạnh các lợi ích đem lại cho bản thân các trường đại học, các sinh viên, việc phát triển chương trình này đang phải đối mặt với những thách thức nhất định đòi hỏi các trường cần quan tâm và đầu tư thích đáng cả về nhân lực và tài chính.

Hồng Hạnh (ghi)

Xem thêm : đào tạo đại học, đánh giá chất lượng, chương trình đào tạo, phát triển giáo dục, chương trình đào tạo đại học, chương trình liên kết

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét