- Dân trí ›
- Kinh doanh ›
Từ vụ Formosa: Việt Nam không phải thiên đường cho xả thải
Dân trí Ngay sau khi nguyên nhân cá chết tại các tỉnh ven biển miền Trung được cơ quan chức năng xác định do quy trình xả thải của Formosa gây ra, phóng viên Dân Trí đã có cuộc trao đổi nhanh với một số chuyên gia để đánh giá tác động cũng như hướng ứng xử đối với doanh nghiệp (DN) này.
>> Formosa xả độc tố ra biển khiến cá chết bất thường
>> Chủ tịch Formosa gửi thư cho toàn bộ nhân viên
>> Thủ tướng: Chính phủ thực hiện đúng lời hứa công bố nguyên nhân cá chết
Một số chuyên gia khẳng định: Sự cố Formosa gây cá chết hàng loạt ở các tỉnh miền Trung đã tác động xấu đến môi trường biển, ảnh hưởng đến đời sống người dân. Đặc biệt đây là sự cố để lại bài học lớn cho Việt Nam về ứng xử với các DN lớn gây những sự cố nghiêm trọng.
Mọi ưu đãi đều hướng về Formosa nhưng...
GS Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài
Theo GS Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, sự cố Formosa gây cá chết đã gây rúng động cho nền kinh tế Việt Nam, buộc chúng ta phải ngồi lại, nhìn lại.
Ông Mại kể lại về quá trình cấp phép hoạt động của Formosa tại Hà Tĩnh, ban đầu, Formosa đòi xây dựng nhà máy thép 19 - 20 triệu tấn (tương ứng số vốn 20 tỷ USD) bằng công nghệ lò đứng, lúc đó chúng tôi cùng nhiều chuyên gia kiến nghị Thủ tướng đề nghị tỉnh Hà Tĩnh không nên để Formosa một lúc đầu tư dự án quá lớn như vậy.
'Nếu họ có ý định làm lâu dài thì nên chia thành 2 giai đoạn, giai đoạn 1 là 7,5 - 8 triệu tấn thép (7 - 8 tỷ USD), giai đoạn 2 tùy theo kế hoạch của Việt Nam mà xem xét khả năng của họ. Thực tế là Formosa đã đầu tư liên hợp nhà máy thép 10 triệu tấn (tương ứng 10 tỷ USD)', ông Mại nói.
'Lúc đó thì các bên đã đồng ý, làm giai đoạn 1 với cam kết nếu xong giai đoạn 1, tùy theo tình hình và thị trường chúng ta sẽ có những điều chỉnh thích hợp. Hiện Formosa cam kết xong giai đoạn 1 sẽ đầu tư giai đoạn 2 là nhà máy lọc hóa dầu tại đây và cảng nước sâu Sơn Dương, một cảng nước sâu tốt của Việt Nam từ năm 1985 là để dành cho Formosa (1 bên là cảng sắt thép; 1 bên sau này để dành cho Formosa làm cảng dầu khí nữa)', ông Mại cho biết.
Câu chuyện sắt thép ô nhiễm môi trường, đây không phải là dự án cá biệt mà là một trong những điển hình của thời kỳ chúng ta dễ dãi cấp phép đầu tư. Các dự án thép, xi măng, thủy điện được cho là những dự án sử dụng công nghệ cũ, ô nhiễm môi trường trầm trọng. Cho nên, ngay từ đầu chúng tôi đã phản đối những dự án quá lớn, dự án “bánh vẽ”, ví dụ như Lọc dầu Nhơn Hội hơn 20 tỷ USD hiện đã bị dừng rồi, để lại bao nhiêu hậu họa cho Việt Nam', GS Mại kể lại.
Ông Nguyễn Mại khẳng định: 'Nếu không rút ra từ bài học Formosa để cho đất nước này thì sau này chúng ta sẽ còn bị nhiều Formosa khác hơn nữa. Chúng ta có quá nhiều ưu đãi cho Formosa vì vậy, cũng phải đòi hỏi họ có những hành động đúng mực đối với Việt Nam hiện nay và tương lai nữa'.
Đáng chú ý, ông Mại dẫn lý do: 'Về chiến lược kinh tế biển của Việt Nam phấn đấu đến năm 2020, các ngành đánh cá, nuôi trồng thủy hải sản, khai thác khoáng sản, du lịch, vận tải biển... sẽ đóng góp trên 50% GDP. Như vậy, 1 dự án 10 tỷ đô nằm án ngữ trung tâm vùng phát triển kinh tế biển lớn mạnh của cả nước trong tương lai là không đáng để chúng ta hy sinh, đánh đổi'.
Hiện nay, theo ông Mại, thu hút đầu tư đang được phân cấp mạnh cho các địa phương, quyền lựa chọn thuộc về lãnh đạo của các tỉnh. Từ đầu năm đến nay Đồng Nai, Bình Dương, Bình Thuận, Ninh Thuận... 3 tháng đầu năm nay rút giấy phép cũng phải mấy chục tỷ USD. Các nhà đầu tư hứa hão đủ các thứ mà họ không làm.
'Lo lắng lớn nhất của tôi là quyền lựa chọn không ở trung ương nữa mà thuộc về các tỉnh rồi. Các tỉnh, khu công nghiệp, khu công nghệ cao được quyền lựa chọn những dự án cho mình, do đó, không thực thi quyền lựa chọn và không biết quyền lựa chọn.
Các tập đoàn xuyên quốc gia (TNCs) vào Việt Nam thì họ có chiến lược rất rõ ràng. Nếu có thay đổi lớn về chính sách và chính trị, họ sẽ có phương án khác nhau. Tuy nhiên, không ai biết chiến lược này cả, chỉ biết họ đầu tư 1 tỷ USD vào. Chẳng cơ quan nào, chẳng tỉnh nào quan tâm xem vì sao họ đầu tư 1 tỷ USD vào đây, và nếu không được thì họ ra sao. Như vậy, chúng ta đang bày chiến lược phát triển, trong tay các tập đoàn xuyên quốc gia để họ làm gì thì làm là không được', GS Mại đánh giá.
Việt Nam không phải là thiên đường cho xả thải!
Trả lời phóng viên Dân trí sau việc công bố Formosa là thủ phạm gây hiện tượng cá chết hàng loạt, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nói: 'Đây là chuyện chưa từng xảy ra tại Việt Nam. Đó là hồi chuông cảnh báo lớn cho đất nước.
Các nhà đầu tư nước ngoài đang nhìn vào cách mà Việt Nam xử lý sai phạm của Formosa thế nào, bởi hơn ai hết họ hiểu: Việt Nam quyết tâm bảo vệ môi trường như tuyên bố của mình, dĩ nhiên những dự án sạch sẽ đến. Chúng ta không phải thiên đường cho dự án loại 3 - 4 của thế giới chỉ làm nơi 'tái chế'. Không thể có chuyện trả giá môi trường; phải làm cho nhà đầu tư và thế giới biết Việt Nam không phải là thiên đường cho xả thải. Tài nguyên môi trường hiện nay không phải nằm trong tay mỗi tỉnh mà là tài nguyên của đất nước, của thế giới nữa'.
'Phải làm sao cho các nhà đầu tư hiểu rằng, muốn vào Việt Nam thì phải nghiêm túc đến môi trường, đừng để nhà đầu tư nghĩ Việt Nam chỉ cần tiền, không coi trọng môi trường. Nếu chúng ta thắt chặt cấp phép dự án, số lượng có thể ít đi, nhưng chất lượng sẽ tốt hơn nhiều. Tôi nghĩ đây là những điều Việt Nam phải lựa chọn', vị chuyên gia kinh tế nhấn mạnh.
Cũng theo bà Lan, Việt Nam “không tăng trưởng bằng mọi giá, không thể trả giá bằng môi trường được. Đã đến lúc chúng ta thực thi quyền của mình là yêu cầu các nhà đầu tư cam kết phát triển bền vững, thực hiện nghiêm ngặt các quy định về môi trường, phát triển của thế giới'.
'Tôi thấy, dư luận đang có sự đồng thuận rất lớn trên tất cả diễn đàn từ báo chí, mạng xã hội, đến ngoài cuộc sống đều đồng tình với việc Chính phủ, các bộ ngành xử lý nghiêm, tìm cho ra thủ phạm làm cá chết tại miền Trung. Chính phủ không nên quá lo lắng vì không có FDI thì không tăng trưởng được, trong sự việc này người dân đều hiểu không tăng trưởng bằng mọi giá, bằng đánh đổi còn hơn tăng trưởng mà để lại ô nhiễm môi trường và hậu họa về sau”, bà Lan nêu ý kiến.
Bà Lan cho rằng: 'Đây là lúc Chính phủ phải xem lại quyết định phân cấp cho các tỉnh quyết định cấp phép đầu tư các dự án lớn, bởi tính chất tác động liên vùng. Các dự án lớn có động môi trường quốc gia dứt khoát phải để Chính phủ quyết định. Hiện, cấp phép của Việt Nam vẫn là để cho các tỉnh quyết định. Nếu “tốt đẹp” thì không sao, nhưng khi xảy ra sự cố, trách nhiệm của tỉnh đến đâu, rồi lại chuyện biện minh: chúng tôi trình độ có hạn, rút kinh nghiệm thì không được'.
Do đó, bà Lan đề nghị, Luật đầu tư, đặc biệt là các dự án có tác động lớn đến quốc gia, phải xem lại quyết định về phân cấp cho địa phương, buộc phải thuê tư vấn và đánh giá độc lập về môi trường. Hiện chúng ta đều có chính sách bảo vệ môi trường, dự án nào cũng có đánh giá tác động môi trường nhưng không thực hiện đến nơi đến chốn.
Nguyễn Tuyền
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét