- Dân trí ›
- Bạn đọc ›
Sóc Trăng: Nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện khẩn thiết kêu oan!
Dân trí TAND tỉnh Sóc Trăng cho biết, cơ quan này vừa có thông báo gửi Viện KSND tỉnh Sóc Trăng về việc kháng cáo kêu oan của ông Ngô Văn Phán - nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc huyện Kế Sách, người mà cách đây hơn một tháng đã bị TAND tỉnh Sóc Trăng tuyên phạt 2 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
>> Sóc Trăng: Đất đang tranh chấp, chính quyền vẫn vô tư ký cho chuyển nhượng
>> Sóc Trăng: Sự “sốt sắng” khó hiểu của Chi cục THADS huyện Mỹ Xuyên
>> Sóc Trăng: Cơ quan chức năng đồng loạt “làm khó” người được thi hành án
Vụ việc bắt đầu từ năm 2012 khi ông Ngô Văn Phán (58 tuổi, ngụ xã Nhơn Mỹ, huyện Kế Sách, Sóc Trăng) kiện người em “cột chèo” là Huỳnh Thế Hùng (58 tuổi) ra TAND huyện Kế Sách để đòi nợ 850 triệu đồng. Số tiền này được cho là ông Hùng nhờ ông Phán vay tiền của Quỹ Tín dụng Trung ương (nay là Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam chi nhánh tỉnh Sóc Trăng Co-op Bank).
Theo ông Phán, lúc đó, ông là Phó Chủ tịch UBMTTQ huyện Kế Sách. Ông Hùng nguyên là đại úy, cán bộ điều tra Công an huyện Kế Sách nhưng đã nghỉ chế độ. “Vay tiền xong tôi đưa Hùng nên vợ chồng người em cột chèo này ghi biên nhận rõ ràng. Những năm qua, nợ của Hùng tôi phải trả cho ngân hàng nên kiện Hùng để đòi lại. Khi vụ việc được tòa án thụ lý và chuẩn bị đưa ra xét xử thì tôi bị công an bắt”, ông Phán nói trong sự bức xúc.
Ông Phán kể, ngoài ông Hùng, ông được nhiều người nhờ vay tiền vì họ vay không được. Khi đó, ông Phán đang có dự án nuôi cá tra xuất khẩu, vay vốn theo nhóm và được Co-op Bank cấp hạn mức tín dụng đến 4 tỷ đồng nên ông sẵn sàng giúp người dân. Trong quá trình hỗ trợ nhau, ông Phùng Văn Hò, Trần Văn Sáng, Trịnh Văn Thượng và Kim Mạnh cho rằng, ông Phán chậm đưa tiền vay cho mình nên 4 hộ này làm đơn tố cáo ông Phán.
Quá trình điều tra, nhà chức trách cho rằng, ông Phán tự nâng số tiền vay cao hơn mức thỏa thuận với người dân để có thêm tiền trả nợ của cá nhân. Dựa vào những chứng cứ này, tháng 2/2014, Công an tỉnh Sóc Trăng khởi tố Phán thêm hành vi “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”.
“Tôi vay tiền thì tôi trả ngân hàng và được người dân bảo lãnh bằng giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Chúng tôi hoàn toàn tự nguyện, người dân không ép buộc, họ đưa giấy tờ cho tôi vay tiền và ngân hàng xem hồ sơ kỹ mới giải ngân. Đến nay tôi đã trả nợ hết cho ngân hàng, không thiếu người dân đồng nào thì không thể nói tôi lừa đảo”, ông Phán cho biết.
Tháng 8/2014, ông Ngô Văn Phán ra tòa lần đầu và Viện KSND tỉnh Sóc Trăng cáo buộc phạm hai tội “Lừa đảo” và “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”. Tuy nhiên, HĐXX đã trả hồ sơ để điều tra lại vì không đủ chứng cứ buộc tội ông Phán. Gần hai tháng sau, ông Phán được gia đình bảo lãnh tại ngoại khi Công an tỉnh Sóc Trăng có quyết định tạm đình chỉ điều tra bị can ngày 14/2/2015.
Mười tháng sau, Công an tỉnh Sóc Trăng đình chỉ vụ án “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” đối với ông Phán, nhưng phục hồi điều tra hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Giữa tháng 1/2016, Viện KSND tỉnh Sóc Trăng ra cáo trạng mới, cáo buộc ông Phán chiếm đoạt của Co-op Bank 1,43 tỷ đồng.
Ra tòa cuối tháng 3/2016, ông Phán phản bác cáo buộc của cơ quan công tố. Ông Phán cho rằng, ông giao dịch với ngân hàng là quan hệ dân sự, nợ vay ông Phán sẽ trả và khẳng định đã tất toán đầy đủ các hợp đồng với Co-op Bank chứ không chiếm đoạt hay lừa đảo.
Một số hộ dân được HĐXX thẩm vấn đã trả lời rằng, họ có nhờ ông Phán vay tiền. Chỉ có 3 hộ không nhận đủ tiền như giao kết với ông Phán và trong đó có một trường hợp đã tất toán với ngân hàng (được giải chấp).
Từ đó, đại diện Viện KSND tỉnh Sóc Trăng đã rút một phần truy tố ông Phán tại tòa. Số tiền Viện KSND cáo buộc ông Phán lừa đảo từ 1,43 tỷ đồng được giảm xuống còn 291 triệu đồng (chưa trừ hợp đồng đã tất toán). Đối với các trường hợp vay vốn liên quan đến hộ Phùng Văn Hò, Trần Văn Sáng, Trịnh Văn Thượng, Kim Mạnh, Huỳnh Thế Hùng… mà cơ quan công tố đề cập trong cáo trạng lần đầu đã không còn được kiểm sát viên nhắc đến để buộc tội bị cáo.
Theo luật sư bào chữa cho ông Phán, số tiền mà đại diện Viện KSND cho rằng ông Phán chiếm đoạt của ngân hàng thực chất là tiền người dân vay Co-op Bank. Tại tòa, hai hộ Lê Văn Mót và Bùi Văn Bé đều đồng ý họ có nợ Co-op Bank và sẽ trả nợ đầy đủ theo khế ước. Như vậy, ông Phán hoàn toàn vô tội, bị công an bắt oan và Viện KSND tỉnh Sóc Trăng truy tố sai.
Dù chứng cứ oan sai đã rõ nhưng TAND tỉnh Sóc Trăng vẫn tuyên ông Phán 2 năm tù vì tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Theo HĐXX, do ông Phán ký thay người dân trong thủ tục vay vốn liên quan đến hộ dân Lê Văn Mót và Bùi Văn Bé nên hợp đồng của hai người này là vô hiệu. Vì vậy, hai ông Mót và Bé có trách nhiệm trả cho ông Phán 156,5 triệu đồng (vốn và lãi). Ngược lại, ông Phán có trách nhiệm trả cho Co-op Bank 156,5 triệu đồng.
Cùng kháng cáo bản án sơ thẩm như ông Phán còn có Co-op Bank. Trong đơn kháng cáo do Phó Giám đốc Co-op Bank Sóc Trăng Trương Thanh Hùng ký có nêu: “HĐXX tuyên vô hiệu hai hợp đồng của ông Bé và ông Mót là không chính xác, không có cơ sở pháp lý. Cả hai hợp đồng được UBND xã công chứng, chứng thực đầy đủ. Cấp sơ thẩm xác định Co-op Bank là nguyên đơn dân sự là hoàn toàn không chính xác vì chúng tôi chưa hề có đơn nào đến tòa để yêu cầu ông Phán phải trả số tiền vay cho Co-op Bank”. Từ đó, Co-op Bank cho rằng họ chỉ có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan chứ không phải nguyên đơn dân sự và càng không phải là bị hại trong vụ án.
Bạch Dương
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét