- Dân trí ›
- Thế giới ›
Phe vận động Anh rời EU thừa nhận thất bại
Dân trí Hoạt động bỏ phiếu trưng cầu dân ý của Anh về vấn đề ra đi hay ở lại EU chính thức khép lại vào rạng sáng nay với ưu thế tiếp tục nghiêng về phe “Ở lại”. Trong khi đó một lãnh đạo cấp cao của phe “ra đi” (Brexit) đã thừa nhận thất bại.
>> Nước Anh trước giờ G
>> Anh được và mất gì khi rời khỏi EU?
>> Những câu hỏi về cuộc trưng cầu dân ý Brexit ở Anh
Ông Nigel Farage, Chủ tịch đảng Độc lập Anh (UKIP). (Ảnh: AFP)
Trả lời phỏng vấn hãng tin Sky News ngay sau khi các điểm bỏ phiếu trưng cầu dân ý đóng cửa, ông Nigel Farage, Chủ tịch đảng Độc lập Anh (UKIP) và cũng là tiếng nói chính ở phe ủng hộ Brexit, thừa nhận: “Đây thực sự là một chiến dịch vận động tranh cử chưa từng có, số người đi bỏ phiếu cao chưa từng có và có vẻ như phe ‘Ở lại’ sẽ chiến thắng”.
Thừa nhận của ông Farage đưa ra sau khi các điểm bỏ phiếu ở Anh đóng cửa vào 22 giờ tối 23/6 theo giờ địa phương (khoảng 4 giờ sáng nay theo giờ Việt Nam). Các hòm phiếu sẽ được tập kết tại 382 điểm khác nhau đại diện cho toàn bộ 380 khu vực chính quyền địa phương tại Anh, Scotland và Xứ Wales, cùng một địa điểm ở Bắc Ireland và một địa điểm ở Gibraltar. Kết quả kiểm phiếu sẽ được công bố trong sáng nay 24/6.
Tuy nhiên, kết quả khảo sát trực tuyến cũng cho thấy ưu thế hiện vẫn nghiêng về phe ủng hộ Anh ở lại EU. Cụ thể, theo khảo sát của hãng YouGov, tỷ lệ chênh lệch giữa phe Ở lại và Ra đi là 52% so với 48%. Một khảo sát khác do Ipsos-MORI thực hiện cũng cho thấy phe Ở lại chiếm 54% trong khi phe ủng hộ Brexit chiếm 46%.
Cuộc trưng cầu dân ý mang tính lịch sử của Anh được cho là sẽ tác động không nhỏ đến nước Anh, Liên minh châu Âu (EU) mà đến cả thế giới.
Nếu Anh trở thành quốc gia đầu tiên rời EU, đây sẽ là một đòn giáng mạnh nhất vào liên minh này kể từ khi ra đời. EU sẽ không còn là nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới hay một liên minh quân sự chính của thế giới. Điều đáng nói, chiến dịch Brexit khi đó sẽ kéo theo tiền lệ cho các quốc gia khác trong EU. Còn với Anh, Brexit có thể sẽ khiến làn sóng đòi độc lập của Scotland dâng cao trở lại.
Tuy nhiên, kể cả người Anh bỏ phiếu ở lại EU, liên minh này cũng vẫn phải đối mặt với sức ép buộc phải thay đổi cơ chế, trong đó có thể phải trao nhiều quyền tự quyết hơn, dành thêm các cơ chế riêng cho thành viên.
Minh Phương
Tổng hợp
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét