- Dân trí ›
- Bạn đọc ›
Nguyên cán bộ phòng nội vụ bán văn bằng chứng chỉ giả: 'Hành vi phạm tội phải trừng trị nghiêm khắc'
Dân trí Nguyên cán bộ phòng nội vụ phạm tội làm văn bằng, chứng chỉ giả sẽ bị trừng trị nghiêm khắc. Luật sư cho rằng hành vi này rất nguy hiểm bởi các giá trị xã hội sẽ bị đánh đổi.
>> Cán bộ nội vụ cầm đầu đường dây bằng giả
Như Dân trí đã đưa tin, trên Facebook của Bùi Thị Mỹ Phương (huyện Chư Prông, Gia Lai) rao bán các loại văn bằng, chứng chỉ giả. Âm thầm điều tra, công an đã bắt quả tang Phương đang bán chứng chỉ C môn Anh văn cho một người với giá 800.000 đồng.
Bị bắt giữ, Phương khai nhận chỉ là môi giới cho Lê Quang Lâm ở Hà Nội. Theo đó, sau khi nhận tiền và thông tin của người mua văn bằng, chứng chỉ giả, Phương sẽ chuyển cho Lâm. Khoảng 10 ngày sau, Lâm chuyển lại “thành phẩm” qua bưu điện giao cho người mua, kiếm lời. Từ lời khai này, Công an tỉnh Gia Lai phối hợp đơn vị nghiệp vụ của Bộ Công an bắt Lâm và bạn gái nhưng hai người này chưa phải là người làm bằng giả. Họ cũng như Phương, chỉ là một “đại lý” cung cấp đồ giả cho khắp nước.
Ảnh trái: Nguyên cán bộ phòng nội vụ Hoàng Đức Huấn tại công an. (Ảnh do công an cung cấp) Ảnh phải: Các bị can cộm cán trong đường dây làm bằng giả.
Lần tiếp, công an bắt giữ Hoàng Đức Huấn (30 tuổi, trú huyện Đan Phượng, TP Hà Nội) và các đồng phạm.
Công an xác định Huấn là người cầm đầu đường dây làm giả văn bằng, chứng chỉ. Theo công an, anh ta là cán bộ phòng Nội vụ UBND huyện Đan Phượng. Cuối năm 2014, Huấn “đầu tư” máy in màu, phần mềm liên quan rồi đặt mua 10.000 phôi chứng chỉ giả với giá 120 triệu đồng từ một người lạ. Sau đó, Huấn dùng máy in màu và phần mềm liên quan in và bán chứng chỉ giả cho nhiều người. Từ việc mua bán này, Huấn tạo ra chân rết ở khắp các tỉnh, thành, sau đó chọn Lâm làm “đại lý” cấp 1 liên lạc với chân rết ở các tỉnh, thành. Các “chân rết” trực tiếp giao dịch với người có nhu cầu. Với việc tạo ra nhiều tầng nấc trung gian nên đường dây của Huấn tồn tại trong thời gian dài mới bị triệt phá.
Khám xét nơi ở của Huấn và những người liên quan, công an thu giữ hơn 22.000 phôi tài liệu, bằng cấp, chứng chỉ giả các loại.
Bình luận về sự việc Luật sư. Ts Nguyễn An, Hãng Luật Cộng Đồng cho rằng, nếu 22.000 phôi tài liệu, bằng cấp, chứng chỉ giả các loại” không bị phát hiện mà được tuồn ra ngoài xã hội thì hậu quả không thể lường được.
“Các giá trị nhân tài sẽ bị đánh đổi, có thể có một vài vị trí quản lý nhà nước được điều hành bởi những người không có thực lực, không trung thực” – TS An nói.
Ở góc độ pháp luật TS Nguyễn An cho biết, theo Điều 276 Bộ luật hình sự năm 1999 (sửa đổi bổ sung năm 2009) quy định cụ thể về tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức, theo đó tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức là hành vi làm ra con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức giống con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức hoặc sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ giả đó nhằm lừa dối cơ quan, tổ chức hoặc công dân.
'Các giá trị nhân tài sẽ bị đánh đổi, có thể có một vài vị trí quản lý nhà nước được điều hành bởi những người không có thực lực, không trung thực” – TS An nói
Xét về hành vi khách quan của tội phạm, tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức có hai hành vi khách quan:
- Hành vi thứ nhất: hành vi làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan;
- Hành vi thứ hai: sử dụng con dấu, tài liệu làm giả của cơ quan tổ chức nhằm lừa dối cơ quan, tổ chức hoặc công dân.
Trong vụ buôn bán bằng giả, Huấn đã cùng Lâm liên kết với những kẻ môi giới tạo ra đường dây buôn bán như “chân rết” tại khắp các tỉnh thành trên cả nước. Giữa chúng đã có sự câu kết chặt chẽ từ “trên xuống dưới” thực hiện trot lọt rất nhiều vụ.
Từ những phân tích trên, hành vi của Huấn cùng đồng bọn sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Khoản 2 Điều 267BLHS tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức: “Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 2 năm đến 5 năm: a) Có tổ chức; b) Phạm tội nhiều lần.”
TS Anh phân tích thêm: Trong vụ việc này, Hoàng Đức Huấn – cán bộ phòng Nội vụ UBND huyện Đan Phượng, người đứng đầu đường dây bằng giả đã có hành vi là làm giả các văn bằng, chứng chỉ. Xét trong vụ việc, Huấn là người trực tiếp thực hiện công việc này thông qua hành vi đã được khai nhận như: “đầu tư” máy in màu, phần mềm liên quan; đặt mua 10.000 phôi chứng chỉ giả; dùng máy in màu và phần mềm liên quan in và bán chứng chỉ giả cho nhiều người. Hành vi làm giả tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức là hành vi in ấn, sản xuất trái phép các tài liệu hoặc giấy tờ khác theo mẫu gốc hoặc không theo mẫu gốc của cơ quan tổ chức. Việc làm của Huấn đã thỏa mãn dấu hiệu hành vi của tội phạm.
Xét về hành vi làm giả con dấu, trong tài liệu hồ sơ hiện tại và lời khai của Huấn không thể hiện Huấn có hành vi làm giả con dấu. Tuy nhiên về mặt khách quan có thể nhận định rằng, việc làm bằng hay chứng chỉ giả cần phải có con dấu là thứ “đảm bảo” về mặt pháp lý.
“Trong vụ việc này ắt sẽ phải tồn tại hành vi làm giả con dấu để có thể đưa ra những “thành phẩm” đem bán trôi nổi trên thị trường. Vậy những con dấu trên các vằng bằng, chứng chỉ giả kia được lấy ở đâu? Huấn là người trực tiếp làm hay có một cá nhân, cơ quan, tổ chức nào khác cùng tham gia? (Hành vi làm giả con dấu của cơ quan, tổ chức được hiểu là hành vi khắc, đúc dấu giả, in, vẽ, photocopy màu hoặc bằng các thủ đoạn khác làm ra con dấu trái phép bắt chước theo mẫu con dấu đã được cơ quan có thẩm quyền cho phép sản xuất, lưu hành hoặc không theo mẫu đó.)- TS An đặt ra nghi vấn.
Phạm Thanh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét