- Dân trí ›
- Thế giới ›
Nước Nga trước bàn cờ chính trị mới
Thổ Nhĩ Kỳ và Ukraine đã lên kế hoạch hợp tác trong lĩnh vực quốc phòng, tăng cường phối hợp hành động tại Biển Đen. Tiếp đó, Thổ Nhĩ Kỳ bày tỏ mong muốn liên kết với Gruzia và Azerbaijan, tiến hành tập trận chung để nâng cao khả năng sẵn sàng chiến đấu cho các lực lượng vũ trang.
>> Nga-Thổ âm thầm hành động sau tuyên bố ngừng bắn ở Syria?
>> Nguy cơ đối đầu quân sự Nga-Thổ ở Syria
Trong bối cảnh căng thẳng giữa Nga và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đang leo thang, sự hợp tác giữa Ukraine - quốc gia từng là sân sau của Moscow và Thổ Nhĩ Kỳ - nước đang có nhiều bất đồng với Nga khi hậu thuẫn cho các đồng minh phương Tây trên chiến trường Syria đã khiến chính quyền Tổng thống Vladimir Putin lo ngại.
Nay lại thêm Gruzia từng thất bại trong cuộc chiến năm 2008 với Nga, và Azerbaijan đối thủ chính trong cuộc xung đột Nagorno – Karabakh, Điện Kremlin buộc phải đi tìm đối sách phù hợp ở tầm chiến lược. Sự ra đời liên minh giữa các quốc gia này đang tạo nên “một bàn cờ chính trị mới”, thách thức Tổng thống Putin khi đe dọa an ninh nước Nga và tạo nên nguy cơ bất ổn sâu sắc.
Liên minh “bao vây” Nga
Nhiều nguồn tin tiết lộ, Ukraine sẽ thiết lập một lực lượng chung với Thổ Nhĩ Kỳ, và nhờ sự hậu thuẫn của Mỹ, để hạn chế hoạt động quân sự Nga trên Biển Đen. Mối quan hệ này sẽ khiến Tổng thống Putin mệt mỏi và phải suy tính rất cẩn thận những đường lối chính sách ngoại giao – quân sự trong tương lai.
Theo đó, Ukraine muốn tăng cường đáng kể hợp tác quân sự với Thổ Nhĩ Kỳ để chặn hoạt động của Nga ở phía nam Biển Đen. Ukraine cũng suy tính lại sự hợp tác ở khu vực này với Rumania và Bulgaria, kêu gọi Mỹ tham gia “chống lưng”.
Ukraine muốn gây khó khăn cho các tàu chiến của Nga khi đi qua vùng biển này, thách thức tối đa Nga trong khu vực Biển Đen - cái 'hồ' mà Nga được cho là không thể, và không bao giờ tiến xa được.
Theo nhiều chuyên gia, sức ép lên chính quyền Putin ở thời điểm hiện tại vẫn còn khá nhẹ. Sự hợp tác của Ukraine với Thổ Nhĩ Kỳ hiện mới chỉ dừng ở những tuyên bố “mạnh miệng”.
Trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế tại Ukraine và bất ổn chính trị tại Thổ Nhĩ Kỳ, sự hợp tác rộng mở trong lĩnh vực quân sự giữa hai nước khó có thể được triển khai. Tuy nhiên, ông chủ Điện Kremlin cần hiểu rằng, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ được coi là một trong những lực lượng mạnh nhất thuộc khối NATO.
Vì vậy, không nên coi thường khả năng triển khai các căn cứ quân sự hoặc quân đoàn trên lãnh thổ Ukraine. Nếu quyết định này được thông qua thì có thể coi đó là một tuyên bố mang tính biểu tượng của sự hợp tác quân sự giữa hai quốc gia này.
Trước mắt nhà lãnh đạo Putin hiện lên một bàn cờ mới, được bài binh bố trận để “chống” Nga với những quân cờ đang có xung đột với Nga. Rõ ràng, Moscow không thể đối phó với các thế cờ theo các đối sách nhằm phục vụ cho chiến lược đối ngoại của Nga như trước đây.
Nếu như liên minh Ukraine – Thổ Nhĩ Kỳ xuất hiện, Nga sẽ phải chống chịu sức ép rất lớn. Thổ Nhĩ Kỳ sẽ có sân chơi mới để tiếp tục dằn mặt những người anh em trong NATO nếu như mặt trận Syria im tiếng súng và Washington lập hàng rào tại biên giới Iraq.
Mặt khác, Recep Tayyip Erdogan có thể thực hiện ván cờ mới trên chính trường nước này mà không sợ Washington nhúng tay vào gây áp lực. “Quân cờ” Thổ Nhĩ Kỳ vẫn tiếp tục gây hại cho Nga, và chỉ cần Washington tạo điều kiện để Ankara và đồng minh thể hiện sức mạnh là ông Putin sẽ phải đối phó rất mệt.
Với Ukraine, Kiev đã đánh đổi tất cả những gì có thể để hy vọng vào sự giúp đỡ và che chở của phương Tây. Thế nhưng, lệnh cấm vận Nga sau sự kiện Crimea là phương Tây trừng phạt Nga vì quyền lợi của họ chứ không phải vì Ukraine.
Kiev không hề được hưởng một chút lợi ích nào từ lệnh cấm vận mà Mỹ và phương Tây áp đặt với Moscow. Thậm chí, Ukraine còn chịu nhiều thiệt hại, nhất là vấn đề giá khí đốt và khoản tín dụng mà Nga cam kết với chính quyền của Viktor Yanukovych bị đình lại.
Trong khi đó, mối đe doạ từ Nga luôn là nỗi ám ảnh Kiev, nhưng Mỹ và đồng minh chưa hề có hành động cụ thể mà chủ yếu là lên án và siết chặt cấm vận với Nga. Bởi vậy, Ukraine tham gia vào liên minh với Thổ Nhĩ Kỳ thiết thực hơn cho quyền lợi và sự an nguy của tổ quốc.
Với Gruzia, khi bắt tay với Ankara, Tbilisi sẽ nâng tầm vị thế và tìm thấy đồng minh. Sự đơn độc trong cuộc chiến với Nga năm 2008 đã cho thấy Gruzia cần những người anh em chiến lược.
Chắc chắn, Mỹ và đồng minh phải rất biết ơn Ankara trong việc giải quyết vị thế và vai trò của Gruzia, bởi lẽ Thổ Nhĩ Kỳ là thành viên NATO nên Gruzia vẫn có quyền lợi gắn liền với NATO, mà quan trọng hơn là Gruzia vẫn chịu sự kiềm tỏa của NATO.
Khi Kiev và Tbilisi bắt tay cùng Ankara thì rõ ràng Washington không những cảm thấy nhẹ gánh mà còn có lợi. Bởi sức mạnh của Ukraine hay Gruzia trong một ván cờ chính trị mới đang thách thức Nga, khiến ông Putin dần trở nên mệt mỏi và ngao ngán với những người anh em láng giềng.
Nguy cơ bất ổn
Kể từ sau khi Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi máy bay chiến đấu cơ Su-24 ngày 24-11-2015, phía Nga liên tiếp có những biện pháp trả đũa mạnh tay bằng kinh tế khi khuyến cáo người dân Nga không du lịch đến Thổ Nhĩ Kỳ, cũng như ngừng nhập khẩu nhiều mặt hàng của nước láng giềng.
Điều này khiến cho Thổ Nhĩ Kỳ điêu đứng, khiến giới chức nước này phải lên tiếng đề nghị xem xét các lệnh trừng phạt cũng như tạo điều kiện để bình thường hóa quan hệ giữa hai nước. Đặc biệt, Moscow còn nhiều lần lên tiếng bày tỏ quan ngại trước việc chính quyền Recep Tayyip Erdogan tiến hành nhiều biện pháp quân sự tại Syria cũng như gia tăng thêm các hoạt động gây hấn, bạo loạn tại khu vực này.
Trong bối cảnh này, quyết định hợp tác tạo liên minh giữa Thổ Nhĩ Kỳ cùng Ukraine hay Gruzia và Azerbaijan đã nhắm trúng hai đích lớn đó là Nga và Mỹ. Nhà Trắng dù không muốn Thổ Nhĩ Kỳ gia tăng căng thẳng trong khu vực nhưng vẫn cần chính quyền Erdogan làm đối trọng với Điện Kremlin.
Trong khi đó, Tổng thống Putin cũng không muốn tự tạo thêm cho mình những áp lực khi tình hình Syria vẫn đang bế tắc, chưa thể giải quyết một cách triệt để. Từ đây, ông chủ Điện Kremlin buộc phải suy tính đến khả năng chấp nhận thỏa hiệp trước sự lựa chọn khôn ngoan của Ankara.
Chính quyền Putin hẳn nhận ra sự nguy hiểm đến từ Ankara khi đã tạo cơ hội cho Gruzia và Ukraine tìm ra đối tác giúp làm giảm bớt ảnh hưởng của Nga. Còn Azerbaijan có thể điều đình với Nga theo hướng đáp ứng tối đa những gì họ muốn.
Cho dù sự ra đời liên minh giữa các quốc gia này không làm thay đổi cán cân lực lượng giữa Nga và NATO trong cuộc đối đầu hiện nay nhưng lại có ảnh hưởng lớn đến Moscow, cả về kinh tế và chính trị.
Theo một số nhận định thì ông Putin đang đưa nước Nga tham gia vào một cuộc chạy đua vũ trang không mong muốn với các nước thuộc NATO, trong khi vẫn đang loay hoay vì khó khăn do giá dầu sụt giảm và tác hại do lệnh cấm vận của phương Tây.
Không thể phủ nhận rằng, kinh tế Nga sẽ phải dành một khoản lớn vào việc tìm cách đối phó với liên minh đầy mưu mẹo và đang dần lớn mạnh, dưới sự chi phối của Thổ Nhĩ Kỳ.
Một bàn cờ mới – một mặt trận mới đòi hỏi những chiến lược, thậm chí là cả lực lượng mới. Điều đó khiến cho chi phí quân sự của Nga tăng gấp bội, làm nặng thêm ngân sách quốc gia trong thời buổi kinh tế ngặt nghèo. Khó khăn và nguy hiểm sẽ khiến Nga mất ưu thế trong các quan hệ hợp tác quốc tế, từ đó đánh mất dần lợi ích và vị thế trên trường quốc tế.
Dù Moscow vẫn phải đối phó và đương đầu với những thách thức từ Thổ Nhĩ Kỳ, Ukraine và Gruzia, thậm chí cả Azerbaijan, nhưng đó là những đối thủ riêng rẽ và chính quyền Putin có thể vô hiệu hoá. Tuy nhiên, khi có sự liên minh sâu rộng giữa các đối thủ thì ông Putin buộc phải nghĩ tới một kế sách mới, không thể tiếp tục các chính sách “hiền lành” như hiện tại.
Liên minh này không đơn thuần khiến chi phí an ninh - quốc phòng của nước Nga tăng đột biến, mà còn ảnh hưởng đến ổn định chính trị, nhất là vấn đề sắc tộc. Ankara có thể thổi bùng ngọn lửa tại Nagorno – Karabakh, khiến Moscow phải nhượng bộ. Khi có thiên vị giữa Azerbaijan và Armenia thì hiểm hoạ đe doạ sự thống nhất của nước Nga đã manh nha và có thể bùng phát.
Với tình hình khó khăn hiện nay, việc những mâu thuẫn sắc tộc có thể hình thành sẽ cực kỳ nguy hiểm cho chính quyền Tổng thống Putin, tạo nên nguy cơ bất ổn xã hội...
Theo Nguyễn Tuyết
An ninh thế giới
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét