- Dân trí ›
- Kinh doanh ›
Có nên có nhiều các khu du lịch tâm linh ?
Dân trí Trong những năm qua, đầu tư vào các cơ sở, dịch vụ kinh doanh phục vụ du lịch tín ngưỡng đang là một xu hướng đáng chú ý ở nhiều tỉnh, thành phố. Dân trí vừa nhận được bài viết khá thú vị của một độc giả- tiến sĩ Nguyễn Chu, Hiệp hội sân Golf Việt Nam về vấn đề này, xin giới thiệu cùng quý vị độc giả:
>> Sẽ có Khu du lịch sinh thái tâm linh tại Vườn Quốc gia Bạch Mã?
>> Nhiều hình ảnh chưa đẹp ở khu du lịch tâm linh nổi tiếng tỉnh Bạc Liêu
>> Những điểm du lịch tâm linh nổi tiếng miền Bắc
Chùa Bái Đính từ lâu được biết đến là một địa chỉ du lịch tâm linh
Tín ngưỡng và kinh doanh tín ngưỡng
Hiện nay, khác với những điểm du lịch liên quan đến các công trình tín ngưỡng của nhân loại- có tính lịch sử, có tính nghệ thuật, trở thành một địa danh nổi tiếng thu hút du khách thì ở Việt Nam, người ta xây công trình tín ngưỡng vì mục đích bán vé thăm quan cho du khách. Tức là đầu tư kinh doanh tín ngưỡng.
Nếu sau Cách mạng tháng Tám 1945, đã xảy ra phong trào loại bỏ chùa chiền quá tả, thì hai chục năm gần đây, xuất hiện xu hướng ngược lại, là xây dựng và cổ súy cho chùa chiền một cách quá hữu. Và việc đi chùa chiền không chỉ là tín ngưỡng hội hè, mà còn chịu ảnh hưởng dị đoan mê tín.
Không đơn thuần chỉ cầu xin sức khỏe phúc lộc, mà con đường kinh doanh rầm rộ đến nỗi khiến cả số đông phải xin vay mượn của cõi âm, con đường quyền thế phụ thuộc vào may rủi đến nỗi khiến nhiều người phải cầu khấn quan tước, và sự tranh giành thù hận khủng khiếp đến nỗi khiến con người phải nhờ đến yểm bùa âm binh.
Điều không chỉ lo ngại, mà thực sự nguy hiểm, khi hình thành phong trào cầu xin quan tước bổng lộc trong hàng ngũ cán bộ công quyền. Chưa bao giờ mê tín dị đoan lộng phát như hiện nay.
Thay vì phải ngăn chặn, kiểm soát, điều khiển, thì ngược lại, buông lỏng , phó thác và nguy hiểm hơn, là tiếp tay nối giáo.
Lợi dụng vỏ bọc đầu tư thăm quan du lịch tại các địa điểm thiên nhiên thắng cảnh, một số nhà đầu tư đã cơ hội xây dựng các chùa chiền to đẹp, đánh vào tâm lý tín ngưỡng của số đông, để kinh doanh, làm lợi nhanh cho bản thân.
Khi mà tín ngưỡng thánh thần được đưa ra buôn bán, như là một nghành nghề kinh doanh nhanh lời nhất, thì mới thấy mức độ xuống cấp của xã hội.
Kinh doanh chùa chiền là một cách nhân tạo thúc đẩy tín ngưỡng, là tiếp tay nối giáo cho mê tín dị đoan.
Vì sao lại phải xây dựng chùa tháp lớn nhất ?
Điều gốc lõi đầu tiên, rằng Việt Nam không phải là quê hương của phật giáo. Cho nên, Việt Nam không phải là nơi hành hương về cội nguồn của các tín đồ phật giáo.
Từ đó mà suy ra, Việt Nam không tranh dành ngôi vị số 1 của phật giáo. Không đủ điều kiện và đi ngược với đạo lý của phật giáo. Lòng thành với phật không ở chỗ cao nhất, to nhất, hoành tráng nhất. Cái nhất đó không làm cho giá trị của Việt Nam được nâng tầm, không làm cho bạn bè quốc tế phải khâm phục. Tất cả đều cho một ảnh hưởng tiêu cực, một sự phí phạm tiền của công sức, và về mặt hiệu quả, không sinh ra lợi nhuận.
Nhưng ý đồ xây tháp phật lớn nhất ở Hồ Núi Cốc của công ty Xuân Trường có sự khác biệt lớn nhất với những kỷ lục nhảm nhí vừa nêu trên ở khía cạnh lợi nhuận. Nghĩa là tháp lớn nhất này của công ty Xuân Trường sẽ sinh ra lợi nhuận.
Mục tiêu lợi nuận là mục tiêu xuyên suốt của Xuân Trường khi quyết định đầu tư công trình này. Mọi lý do khác chỉ là những mảng màu tô vẽ nhằm che đậy mục tiêu kinh tế.
Chùa Bái Đính được đầu tư rất lớn để có những kỷ lục lớn nhất, thu hút khách du lịch
Còn ai nữa sẽ kinh doanh du lịch tâm linh ?
Công ty Xuân Trường nổi tiếng trong lĩnh vực kinh doanh khu du lịch tâm linh. điển hình là chùa Bãi Đính khu du lịch Tràng An Ninh Bình (vốn đầu tư thông báo 11000 tỷ đồng).
Hiện công ty Xuân Trường dự định tiến hành đầu tư ba khu du lịch tâm linh khác, bao gồm khu du lịch tâm linh Hồ Núi Cốc với Chùa tháp phật cao nhất thế giới 150m (vốn đầu tư thông báo 15 000 tỷ đồng), khu du lịch tâm linh đảo Cái Trát Hải Phòng (vốn đầu tư thông báo 9,8 000 tỷ đồng) cũng với tượng phật cao cũng 150m, và khu du lịch tâm linh Tam Chúc Hà Nam.
Chắc sẽ còn các dự án du lịch tâm linh khác nữa tiếp tục ra đời. Và vấn đề không chỉ ở Xuân Trường.
Câu hỏi đặt ra là, cùng với Xuân Trường, sẽ còn có bao nhiêu nhà đầu tư nữa sẽ nối đuôi dấn thân vào lĩnh vực kinh doanh tâm linh, nơi có thể sinh ra rất nhiều lời cho bản thân nhà đầu tư, nhưng cũng đồng thời kéo theo nhiều tệ nạn mê tín dị đoan, là rào cản sự phát triển dân trí ?
Hãy đầu tư vào kỹ nghệ
Người Nhật vào thập niên 50, và người Nam Hàn vào thập niên 60 của thế kỷ XX, đã tập trung đầu tư vào các lĩnh vực kỹ nghệ để xuất khẩu thu tiền từ các nước khác.
Đó là cách họ trở thành đại gia để đất nước họ trở thành cường quốc. Cách mà chúng ta đang làm sẽ biến ai đó thạnh đại gia, nhưng không bao giờ giúp cho đất nước trở thành cường quốc.
Thay vì đầu tư du lịch tín ngưỡng, hãy đầu tư vào kỹ nghệ, lãnh đạo các tỉnh thành phải sang suốt lựa chọn các lĩnh vực đầu tư. Các dự án không chỉ mang lại lợi ích kinh tế mà còn chứa đựng sáng tạo khoa học công nghệ, thúc đẩy sản xuất, nâng cao dân trí.
Chính Phủ cần hạn chế những công trình kinh doanh chùa chiền, thay vào đó, hướng các nhà đầu tư dấn thân vào lĩnh vực kỹ nghệ.
Nguyễn Chu
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét