- Dân trí ›
- Kinh doanh ›
Hàng không Hải Âu thừa nhận lỗ nặng, nguy cơ ngừng bay
Hãng hàng không Hải Âu đã thừa nhận đang “thua lỗ rất nặng, ảnh hưởng khả năng kéo dài hoạt động”.
>> Đại gia dồn tiền đầu tư hàng không
>> Hãng hàng không Air Mekong chính thức bị “khai tử”
Hàng không Hải Âu đang đối mặt với thua lỗ sau gần 2 năm hoạt động
Chưa đầy hai năm khai phá thị trường hàng không chung bằng thủy phi cơ - vốn được đánh giá là rất nhiều tiềm năng, Hãng hàng không Hải Âu đã thừa nhận đang “thua lỗ rất nặng, ảnh hưởng khả năng kéo dài hoạt động”.
Bị “ép” bay theo đường hàng không
Với ba tàu thủy phi cơ hiện có song một năm Hải Âu chỉ khai thác được khoảng 700 giờ bay, chưa bằng mức khai thác tối đa của một tàu bay, Tổng giám đốc Hãng hàng không Hải Âu Đinh Thu Trang cho biết, công suất đội bay dư thừa nghiêm trọng. Từ đây, bà Trang cũng thừa nhận “Hàng không Hải Âu bị thua lỗ nặng , ảnh hưởng tới khả năng kéo dài hoạt động”.
Người thay thế cựu Tổng giám đốc Hải Âu Lương Hoài Nam cũng thừa nhận, một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do các cơ quan quản lý Nhà nước (QLNN) “chưa có tinh thần tháo gỡ cho doanh nghiệp”.
Từ tháng 9/2014, Hãng hàng không tư nhân Hải Âu bắt đầu cung cấp dịch vụ thủy phi cơ tại Việt Nam. Việc Hãng hàng không Hải Âu ra đời với sản phẩm dịch vụ bay ngắm cảnh cùng thủy phi cơ được đánh giá là một hướng đi mới tích cực, đầy tiềm năng cho ngành Hàng không nói riêng và du lịch trong nước nói chung.
Cụ thể, theo bà Trang, về phương thức bay, phần lớn nhu cầu của Hàng không Hải Âu là bay bằng mắt ngoài đường hàng không. Tuy nhiên, hãng này lại thường xuyên bị “ép” bay theo các đường hàng không. Do vậy, khi đường hàng không bị “đóng” (ví dụ đường hàng không từ Hà Nội đi Hải Phòng), Hàng không Hải Âu buộc phải bay vòng theo các đường hàng không khác, với thời gian và chi phí tăng lên nhiều.
Theo bà Trang, khó khăn này của Hải Âu tưởng như được tháo gỡ khi tại Văn bản 2241/TM-TC, Bộ Tổng Tham mưu đã cho phép Hàng không Hải Âu sử dụng vệt bay thẳng Nội Bài - Cát Bi (bên dưới đường hàng không). Điều kiện duy nhất là Hàng không Hải Âu phải có hiệp đồng với Sư đoàn Không quân 371 (Trung tâm Quản lý - Điều hành bay khu vực I).
Sẽ không có gì đáng nói nếu không có việc sau rất nhiều nỗ lực, văn bản hiệp đồng giữa Hải Âu và Sư đoàn Không quân 371 không xây dựng được vì lý do “Sư đoàn 371 và Công ty Quản lý bay miền Bắc đã có văn bản hiệp đồng về nội dung liên quan”. Hơn nữa, đối tượng quản lý của Trung tâm Quản lý - Điều hành bay khu vực I là các cơ sở điều hành bay chứ không phải là doanh nghiệp khai thác bay như Hải Âu.
Cũng vì không có được văn bản hiệp đồng này mà từ đầu năm 2016 đến nay, Công ty Quản lý bay miền Bắc không thực hiện hiệp đồng cho các chuyến bay của Hải Âu đi theo vệt bay thẳng Nội Bài - Cát Bi. Điều này cũng đồng nghĩa với việc suốt thời gian qua, 100% các chuyến bay từ Nội Bài đi vịnh Hạ Long của Hải Âu đều phải bay vòng.
“Tinh thần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp của Văn bản 2241/TM-TC vì vậy chưa được triển khai”, bà Trang chia sẻ và cho biết, một khó khăn khác là việc các địa phương rất lúng túng khi doanh nghiệp này xin phép khai thác.
“Khi chúng tôi xin phép khai thác thủy phi cơ tại các địa phương, do thiếu các hành lang pháp lý, lãnh đạo các địa phương thường phải tổ chức họp rất nhiều cuộc với các sở, ban, ngành. Nếu có sở, ngành nào đó chưa có ý kiến đồng thuận, Hàng không Hải Âu phải tiếp tục thuyết trình, thuyết phục. Với cách làm này, phải mất tối thiểu 6 tháng, có nơi mất cả năm chúng tôi mới xin được chấp thuận”, bà Trang nói.
Sớm quy hoạch chi tiết toàn bộ bầu trời
Một trong những đề nghị của Hàng không Hải Âu nhằm gỡ bớt khó khăn cho doanh nghiệp là cơ quan QLNN cần sớm quy hoạch chi tiết toàn bộ bầu trời Việt Nam theo mặt ngang và độ cao. Cùng đó, cần quy định chi tiết phương thức bay, phương thức điều hành, hỗ trợ, phương thức thông tin liên lạc cụ thể tại mỗi khu vực và loại không phận; Tạo điều kiện thuận lợi và hỗ trợ tối đa hoạt động bay tầm thấp, bằng mắt, ngoài đường hàng không theo thông lệ thế giới.
Phía Hàng không Hải Âu cũng cho rằng, các cơ quan QLNN cần sớm ban hành nghị định mới về quản lý, điều hành hoạt động bay cũng như nghị định mới về mở, đóng sân bay, bao gồm cả sân bay chuyên dùng…
Đặc biệt, Hải Âu cũng đề nghị cơ quan QLNN cần tạo điều kiện cho doanh nghiệp này được trình hồ sơ xin phê duyệt bãi đáp, đường bay, phương thức bay, lịch bay cho đầu mối quản lý duy nhất là Cục Hàng không VN.
“Cục Hàng không VN phối hợp với các cơ quan liên quan xem xét hồ sơ và thông báo kết quả cho doanh nghiệp chứ cứ để doanh nghiệp tự đi “hiệp thương” giữa các cơ quan Nhà nước như hiện nay rất khó khăn”, Tổng giám đốc Hải Âu bày tỏ.
Chia sẻ khó khăn của Hải Âu, Cục trưởng Cục Hàng không VN Lại Xuân Thanh thừa nhận, dù rất nỗ lực tháo gỡ khó khăn song vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của hàng không chung, kể cả hoạt động bay trực thăng lẫn bay du lịch của Hải Âu.
“Những gì trong tầm tay như phương thức điều hành bay, tiêu chuẩn sân bay chuyên dùng, chúng tôi đã cố gắng rất nhiều để gỡ khó cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, vẫn còn những khó khăn như Hải Âu đã và đang phải đối mặt”, ông Thanh nói và cho biết thêm: Hải Âu lại là doanh nghiệp đầu tiên khai thác bay du lịch bằng thủy phi cơ nên thủ tục pháp lý chưa được cụ thể, khai thông là có thật.
Bày tỏ sự nhất trí ý kiến của Hải Âu rằng doanh nghiệp chỉ phải đi “một cửa” và cụ thể là Cục Hàng không VN, ông Thanh cũng cam kết: “Những vấn đề sau cánh cửa đó, Cục Hàng không VN có trách nhiệm giải quyết”.
Trong thời gian tới, ông Thanh cũng khẳng định, sẽ tiếp tục làm việc với các cơ quan của Bộ Quốc phòng về các vấn đề liên quan đến Quy chế bay tầm thấp, tổ chức lại vùng trời.
Theo Thanh Bình
Báo Giao thông