Cựu Cục trưởng Cục quản lý thực phẩm và dược phẩm Trung Quốc Trịnh Tiểu Du tại tòa
“Cơn lốc” dầu ăn bẩn
Các trường hợp phải đền tội do coi thường sức khỏe người tiêu dùng không còn là hiếm gặp ở Trung Quốc. Có thể kể đến vụ án được ví là “cơn lốc dầu ăn bẩn” tại Đài Loan năm 2014.
Theo Straits Times, tháng 7-2015, tòa án huyện Bình Đông ở Đài Loan tuyên án 20 năm tù đối với Yeh Wen-hsiang, Chủ tịch Công ty Chang Guann và phạt tiền 1,6 triệu USD vì công ty này bán ra 243 tấn dầu ăn được sản xuất và tái chế từ dầu thải loại. Ông Tsai Chi-chuan, Phó chủ tịch của Chang Guann cũng nhận án 20 năm tù vì vi phạm các quy định an toàn vệ sinh thực phẩm.
Trong khi đó, Kuo Lieh-cheng, chủ một nhà máy không giấy phép, chuyên cung cấp dầu ăn bẩn cho Chang Guann lĩnh án 12 năm tù và một công nhân làm tại nhà máy bị phạt 8 năm tù. Hơn 1.000 hàng ăn, cửa hàng bánh và cửa hàng thực phẩm ở Đài Loan đã sử dụng dầu ăn bẩn của Chang Guann.
Thậm chí, vụ bê bối thực phẩm chấn động này đã khiến người đứng đầu ngành y tế của đảo Đài Loan phải từ chức. Sau sự việc, chính quyền Đài Loan đã cân nhắc điều chỉnh luật để nâng mức phạt tù và phạt tiền đối với hành vi vi phạm an toàn thực phẩm, cũng như tăng tiền thưởng cho người tố cáo sai phạm.
Cũng tại Đài Loan, tháng 3-2016, cựu Chủ tịch Tập đoàn Wei Chuan (Vị Toàn) Wei Ying-chung bị kết án 4 năm tù, trong khi tập đoàn chịu phạt 15,5 triệu Tân Đài Tệ vì bán dầu ăn kém chất lượng. Một bị cáo khác, cựu Tổng giám đốc Công ty Ting Hsin Oil and Fat Chang Mei-feng nhận án 3 năm và 10 tháng tù. Cựu Tổng giám đốc Wei Chuan được trắng án, nhưng 10 người khác liên quan tới vụ việc này nhận án tù từ 5 đến 22 tháng.
Được biết, trong nỗ lực nhằm cắt giảm chi phí sản xuất, Wei Chuan đã ký hợp đồng với Ting hsin Oil and Fat vào năm 2007 để thu mua những thùng dầu chứa diệp lục tố (chlorophyll) từ Nhà máy thực phẩm Chang Chi, rồi đóng gói để bán. Sau khi xuất hiện thông tin nghi ngờ chất lượng sản phẩm, Wei Chuan lại cố tình che đậy sai phạm bằng các báo cáo thiếu chính xác về chất lượng dầu ăn. Ông Wei cho biết, Wei Chuan là một thương hiệu uy tín hơn 60 năm và tất cả kết quả kiểm tra mẫu dầu ăn đều đạt chuẩn.
Nằm trong chuỗi bê bối dầu ăn kém chất lượng, hồi năm 2013, Tòa án nhân dân thành phố Liên Vân Cảng, ở tỉnh Giang Tô, Trung Quốc đã tuyên án một người đàn ông họ Vương tù chung thân và hơn chục bị cáo khác tù có thời hạn lên tới 15 năm do sản xuất và bán dầu làm từ chất thải cống rãnh và “thành phần thải loại của các sản phẩm từ thịt”.
Những đối tượng này làm và bán dầu ăn “độc hại” từ tháng 1-2011 tới tháng 3-2012. Các chai dầu ăn bẩn đã được bán ra thị trường của 4 tỉnh hoặc thành phố cấp tỉnh, trong đó có Bắc Kinh. Công ty dầu ăn bẩn của đối tượng họ Vương thu lợi hơn 60 triệu NDT (9,8 triệu USD) chỉ trong 2 năm.
Sửa đổi luật để siết chặt quản lý
Ngoài các bê bối dầu ăn, ngành tư pháp Trung Quốc còn xử lý rất nhiều vụ thực phẩm bẩn khác. Ngày 26-9-2011, tòa án Thượng Hải đã xét xử vụ bánh bao nhuộm hóa chất gây xôn xao dư luận. Theo đó, 3 thành viên ban quản trị Công ty thực phẩm Thịnh Lộc gồm tổng giám đốc, giám đốc kinh doanh và giám đốc sản xuất bị tuyên phạt từ 5 đến 9 năm tù và phạt tiền từ 200.000-650.000 NDT/người.
Cùng năm 2011, tòa án tỉnh Cam Túc đã tuyên án tử hình Mã Tú Linh và tù chung thân chồng bà này, ông Ngô Quảng Toàn sau khi họ bị kết tội cố tình bỏ chất độc hại nitrit (một loại muối công nghiệp) vào sữa tươi hồi tháng 4-2011 nhằm trả thù do mâu thuẫn trong làm ăn, hậu quả: 3 trẻ sơ sinh tử vong và 36 trẻ khác nhập viện.
Trong khi đó, từ năm 2008-2014, ít nhất 6 em nhỏ thiệt mạng và gần 300.000 bé khác nhập viện do uống phải sữa nhiễm melamine gây sỏi thận. Nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn sữa Tam Lộc, bà Điền Văn Hoa đã bị toà tuyên phạt tù chung thân vì phải chịu trách nhiệm cho những bê bối tại Tập đoàn sữa Tam Lộc. Tuy nhiên, sau đó bà này được giảm án nhiều lần, xuống còn 18 năm tù. Trong vụ này, 2 đối tượng bán sữa trộn hóa chất melamine cho Tam Lộc là Trương Ngọc Quân và Cảnh Kim Bình đã bị xử tử hình.
Không chỉ đối tượng sản xuất và bán thực phẩm bẩn phải chịu trách nhiệm pháp lý mà đối tượng liên quan tới “dược phẩm bẩn” ở Trung Quốc cũng “lĩnh đủ”. Theo Chinadaily, năm 2007, cựu Cục trưởng Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Trung Quốc (SFDA) Trịnh Tiểu Du đã phải chấp hành án tử hình tại Bắc Kinh sau khi đơn kháng án và xin ân xá của ông ta bị Toà án tối cao bác bỏ.
Trước đó, theo phán quyết của Toà án Nhân dân thành phố Bắc Kinh, quan tham Trịnh Tiểu Du đã nhận hối lộ gần 6,5 triệu NDT, lạm dụng chức quyền và lơ là trách nhiệm gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Trong 7 năm tại vị (1998-2005), Trịnh Tiểu Du đã cấp và cho phép tiêu thụ trên thị trường nhiều loại thuốc kém chất lượng, trong đó có loại kháng sinh khiến ít nhất 10 người tử vong và nhiều người khác bị tổn hại sức khoẻ.
Do có quá nhiều vấn đề về an toàn thực phẩm, tháng10-2015 Trung Quốc đã áp dụng Luật An toàn thực phẩm sửa đổi. Với nhiều quy định mới như nâng cao mức phạt với doanh nghiệp vi phạm, tăng cường chất vấn quan chức sao nhãng nhiệm vụ, xây dựng cơ chế truy ngược đối với thực phẩm có vấn đề…, bộ luật này được coi là “nghiêm ngặt nhất từ trước tới nay” ở Trung Quốc.
Theo luật mới, cơ sở vi phạm pháp luật nghiêm trọng như cho chất phụ gia độc hại vào thực phẩm, sẽ bị rút giấy phép kinh doanh và phạt tiền với mức cao nhất là gấp 30 lần giá trị thực. Đối với nhân viên của cơ quan kiểm nghiệm thực phẩm bị xét xử hình sự do vi phạm Luật An toàn thực phẩm hoặc bị đuổi việc do cung cấp báo cáo giả dốim sẽ bị cấm vĩnh viễn không tham gia kiểm nghiệm thực phẩm.
Giám đốc Học viện Khoa học thực phẩm và công trình dinh dưỡng Đại học Nông nghiệp Trung Quốc La Vân Ba tin tưởng, cơ chế này sẽ góp phần tăng thêm “bức tường lửa” cho quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm từ đầu nguồn cung và thu hồi thực phẩm bẩn.
Theo Đỗ Mai (tổng hợp)
An ninh thủ đô
Xem thêm : thực phẩm bẩn, vệ sinh thực phẩm, Dầu ăn bẩn, sức khỏe người tiêu dùng, tử hình tội phạm, trung quốc