- Dân trí ›
- Nhịp sống trẻ ›
Sinh viên đề xuất mở “chợ kiểu mẫu” giúp đẩy lùi thực phẩm bẩn
Dân trí An toàn vệ sinh thực phẩm chưa bao giờ là vấn đề hết nóng sốt ở đất nước ta. Và các nữ sinh của ĐH Kinh tế quốc dân đã đưa ra ý tưởng táo bạo giúp cải thiện tình hình này.
Với đề tài “vệ sinh an toàn thực phẩm”, BGK đã đặt câu hỏi cho 3 cô gái của của nhóm Wii Wee: “Truyền thông để thay đổi ý thức của người cung cấp vì một xã hội chỉ có thực phẩm sạch”. Sau 10 phút hội ý, nhóm Wii Wee đã đưa ra ý tưởng của mình:
“Mục tiêu truyền thông của chiến dịch này là những người cung cấp và bán thực phẩm ở chợ. Đây là nơi mà những người bán hàng muốn tối đa hóa lợi nhuận của mình, chứ không phải vì họ muốn bon chen buôn bán.
Những người bán hàng ở đây sẽ có lúc trở thành người tiêu dùng, VD người bán thịt thì đi mua rau, người bán rau đi mua cá, người bán hoa quả đi mua đồ khô... Có nghĩa là, với tiêu chí: gần “nơi làm việc”, giá cả thấp, chính bản thân họ sẽ là những người có nguy cơ sử dụng thực phẩm không rõ nguồn gốc, không đủ an toàn vệ sinh thực phẩm, và con cháu trong gia đình của họ cũng vậy.
Chúng tôi sẽ liên hệ với ban quản lý của chợ, đề xuất ý tưởng đưa khu chợ ấy thành 1 chợ thí điểm cung cấp thực phẩm sạch.
Dự án sẽ cùng với những người bán hàng này đi tìm nguồn thực phẩm sạch, và tìm nhà tài trợ để bước đầu hỗ trợ chiết khấu, giúp họ có thể nhập hàng với giá tương đương với giá cả mà những chủ hàng này đang nhập từ chợ đầu mối.
Về phần người mua lâu dài, chúng tôi sẽ giúp đỡ các chủ hàng tại chợ truyền thông về hình ảnh một khu chợ kiểu mẫu: cung cấp thực phẩm sạch của tất cả các loại mặt hàng. Việc làm này sẽ giúp các khách hàng quen cũng như khách hàng tiềm năng có thêm uy tín và sự lựa chọn thực phẩm sạch thay cho thực phẩm rẻ.
Như vậy, lượng khách hàng sẽ dần trở nên nhiều hơn, và những người bán có thể yên tâm dùng số lượng để bù vào phần lãi ít đi do giá đầu vào tăng lên'.
Đề án của Đào Phương Thảo, Nguyễn Khánh Huyền và Nguyễn Hải Nghi - sinh viên Đại học Kinh Tế Quốc Dân đưa ra được đánh giá là khá táo bạo và độc đáo trong thời điểm bùng nổ các cửa hàng thực phẩm sạch trên các con phố tại các đô thị lớn.
Ý tưởng đã nhận được sự ủng hộ, đồng thuận của đa số khán giả và ban giám khảo vì mục tiêu “bình dân hóa” thực phẩm sạch để phục vụ cho đông đảo người Việt, dù còn nhiều điểm thiếu khuyết và tính kinh tế chưa cao.
Cuộc thi “Nhà truyền thông tài ba – IC Master” do khoa Truyền thông và Văn hóa đối ngoại, Học viện Ngoại giao tổ chức, dành cho các bạn trẻ đam mê lĩnh vực truyền thông và văn hóa – xã hội. Năm nay, lần thứ 4 cuộc thi được tổ chức.
Với chủ đề “Xã hội – Tôi thấy”, cuộc thi hướng đến lan tỏa những thông điệp, góc nhìn đa chiều và giải pháp thiết thực cho các vấn đề xã hội hiện nay, thu hút sự quan tâm của đông đảo khán giả trong và ngoài Học viện.
Đêm chung kết cuộc thi “Nhà truyền thông tài ba – IC Master 2016” do các sinh viên Học viện Ngoại giao tổ chức đã chứng kiến sự tranh tài gay cấn của 4 đội xuất sắc nhất: CCWar, S.H.L, ViToKi và Wii Wee. 4 đội với 4 chủ đề khác nhau song đều xoay quanh những vấn đề xã hội hiện nay đang rất được quan tâm như: Vệ sinh an toàn thực phẩm; môi trường; tình trạng tự tử của học sinh do những áp lực mà việc học và cuộc sống mang lại; văn hóa đọc của giới trẻ.
Một điểm tương đồng nữa của 4 đội chơi đó chính là sự tâm huyết, ham học hỏi và không ngừng trau dồi kiến thức, kỹ năng truyền thông qua các vòng thi để mang lại những giải pháp thiết thực tác động đến nhận thức và hành động của mỗi người. Có thể coi cuộc thi như một bàn đạp đưa các đam mê của các bạn trẻ thành hiện thực, cũng như ghi nhận những ý tưởng mới lạ, táo bạo nhằm tác động đến con người và xã hội.
Chung cuộc, nhóm VITOKI đã giành giải Nhất cuộc thi với đề án về Ứng dụng điện thoại nâng cao ý thức đọc và tình yêu với sách, nhóm S.H.L với giải nhì, Wii Wee đã giành giải Ba. Đội CCwar với giải đúp Triển vọng + Đội có Sản phẩm được yêu thích nhất.
Hồng Minh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét